Khi kỳ thi không còn “hai trong một” - Bài 2: Động lực để trường đại học bứt phá trong tuyển sinh

(VOH) - Không tổ chức thi Trung học phổ thông do Covid-19, thay vào đó là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp.

Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ được quy định trong Luật. Như vậy, chính bối cảnh ứng phó với những khó khăn trong mùa dịch Covid-19, buộc các trường đại học phải nhanh chóng chủ động lựa chọn kịch bản tuyển sinh cho mình. Đã đến lúc các trường đại học phải thể hiện năng lực thực sự của mình, với những phương thức tuyển sinh phù hợp, khẳng định giá trị thương hiệu đối với người học và xã hội.

thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: TTO

Vậy, các trường đại học thực hiện tự chủ tuyển sinh ra sao? Các trường đại học đã bắt đầu thay đổi kịch bản tuyển sinh của mình. Chắc chắn sẽ có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, tuyển nhiều đợt trong năm. Ngoài các phương thức xét tuyển như: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, đánh giá năng lực, các đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, cùng chung sứ mệnh cũng manh nha tính đến vấn đề liên kết với nhau trong tuyển sinh. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho hay, trường sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh phù hợp: “Đối với trường chúng tôi, dựa trên xu hướng như vậy, nhà cũng có điều chỉnh về phương án tuyển sinh. Cụ thể, Trường vẫn sử dụng ba phương thức truyền thống: dành 10% chỉ tiêu cho điểm thi kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Phương thức hai là dành 40% chỉ tiêu xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn. Phương thức thứ ba là dành 50% chỉ tiêu cho xét điểm thi kỳ thi Trung học phổ thông”

Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, với tình huống như hiện nay, chính các trường đại học phải chủ động để nhanh chóng đưa ra kế hoạch tuyển sinh của mình. Hiện nay, các trường đang sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Với tình hình hiện tại, các trường phải điều chỉnh phương thức tuyển sinh cho phù hợp. Có nhiều phương thức xét tuyển mà trường đại học sử dụng: xét học bạ Trung học phổ thông, xét từ điểm thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trước đây, xét từ kết quả bài thi Đánh giá năng lực…Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay: “Đối với nhà trường, chúng tôi tăng cường sử dụng phương thức xét tuyển theo học bạ Trung học phổ thông; xét từ kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Bên cạnh đó, Trường cũng sẽ xem xét tính phù hợp của kết quả kỳ thi Trung học phổ thông để xét tuyển vào các ngành của trường đang đào tạo. Thật ra, thí sinh dự thi kỳ thi Trung học phổ thông nếu như đảm bảo được chất lượng đầu vào cho các trường thì các trường cũng sẽ sử dụng kết quả này để làm tiêu chí xét tuyển vào trường của mình”

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay, nếu như không có kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà thay vào đó bằng kỳ thi trung học phổ thông chỉ với mục đích xét tốt nghiệp, trường sẽ không xét điểm thi từ kết quả kỳ thi này mà chuyển sang xét tuyển bằng học bạ. Trường cũng không tổ chức kỳ thi riêng để tránh tốn kém cho thí sinh: “Có các đối tượng, thứ nhất là tuyển thẳng các em đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kể cả kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia. Đối tượng thứ hai là tất cả học sinh giỏi của các trường chuyên, trường Top 200 đều được tuyển thẳng. Thứ ba, tuyển thẳng khoảng 5% số học sinh của các trường có liên kết với Nhà trường, do thầy hiệu trưởng giới thiệu. Mọi năm nhà trường dành chỉ tiêu cho kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nếu như năm nay không thi trung học phổ thông quốc gia thì nhà trường chuyển sang xét tuyển bằng học bạ”

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho hay, các trường đại học cũng đã có sự chuẩn bị trước theo lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra, đó là từ năm 2021 các trường sẽ tự chủ, thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Như vậy, không có kỳ thi trung học phổ thông quốc gia – thay vào đó là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy đã rõ, bản chất và mục tiêu của hai kỳ thi này khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hướng đến mục tiêu là xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho các em. Còn việc sử dụng kết quả kỳ thi này để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển hay không thì lại là vấn đề khác. Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, bên cạnh các phương thức xét tuyển như trước đây, đặt trong bối cảnh hiện tại, với tinh thần tự chủ đại học, các trường đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, cùng chung sứ mệnh, phù hợp điều kiện địa lý…nên chăng có sự liên kết lại với nhau để xét tuyển. Như vậy, các trường sẽ có được sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau thì việc xét tuyển có hiệu quả hơn. Một vấn đề đặt ra, đó là cùng với việc tự chủ, liệu các trường có dễ dãi trong khâu xét tuyển đầu vào hay không, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng: “Phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm giải trình với các bên liên quan, với Bộ chủ quản, với nhà trường, với người học, với xã hội, đặc biệt là trách nhiệm giải trình với chính mình về chất lượng của quá trình đào tạo. Chất lượng đầu vào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra như thế nào. Đây là lúc mà các trường đại học phải thể hiện được năng lực thực sự của mình để chọn được phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu của cả một quá trình từ đầu vào, quá trình đào tạo và cả đầu ra”

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2015, với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, là căn cứ đánh giá chất lượng dạy học ở bậc phổ thông, vừa sử dụng kết quả để các trường đại học cao đẳng tuyển sinh. Và, đến thời điểm hiện tại, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Khi kỳ thi không còn “hai trong một”: Giảm tải hay thêm khó cho học sinh?  - Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 chính thức được thay thế cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trước đây nhằm mục tiêu chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông.