Khi kỳ thi không còn “hai trong một”: Giảm tải hay thêm khó cho học sinh?

(VOH) - Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 chính thức được thay thế cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trước đây nhằm mục tiêu chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Kỳ thi này cũng đồng thời làm căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục cả nước, từ đó điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học trong các trường phổ thông. Công tác tuyển sinh đại học cao đẳng sẽ do các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo tinh thần tự chủ. Kỳ thi được tổ chức phù hợp với 2 luật: Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, đảm bảo được yếu tố đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, gắn với phương án tự chủ đại học, kiểm định chất lượng đại học. Vậy, khi không còn kỳ thi “hai trong một”, thí sinh tham dự kỳ thi với tâm thế ra sao, việc tuyển sinh của các trường đại học có gì thay đổi? VOH có loạt bài: Khi kỳ thi không còn “hai trong một”. Bài 1 “Giảm tải hay thêm khó cho học sinh?”.

Kỳ thi sắp tới sẽ chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT

Kỳ thi sắp tới sẽ chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Hình minh họa 2019. 

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là kỳ thi chỉ còn mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Thí sinh dự kỳ thi này sẽ bắt buộc làm 3 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong đó, bài thi ngữ văn theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Sự thay đổi trên ngay lập tức trở thành chủ đề quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên và nhà quản lý giáo dục. Trong đó, nhiều khó khăn và lo lắng đang được học sinh và giáo viên đưa ra.

Trong thời điểm giãn cách xã hội, bạn Bùi Thanh Vân, lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực vẫn tiếp tục lên mạng học trực tuyến để hoàn thành chương trình lớp 12 của mình. Vân và các bạn vừa nhận được thông tin về kỳ thi Trung học phổ thông 2020 sẽ chủ yếu chỉ phục vụ cho việc xét tốt nghiệp. Mặc dù, bạn bè lo lắng sắp tới đây các trường đại học sẽ tổ chức thi riêng, mức độ khó và áp lực sẽ căng thẳng, nhưng Thanh Vân cho rằng hình thức xét tuyển học bạ sẽ là một lợi thế cho học sinh.  

Vân cho biết em thấy cũng nhẹ vì nếu không xét tuyển đại học bằng kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì đề sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, việc vào đại học sẽ có phần khó khăn hơn vì có thể sẽ thi riêng từng trường đại học. Hiện giờ có nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét kỳ thi đánh giá năng lực nên theo Vân việc vào đại học cũng sẽ không quá khó.

Thực tế câu chuyện giao quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường đại học đã được từng bước triển khai trong những năm gần đây. Vì vậy, theo giáo viên Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ bộ môn Toán, Trường Trung học phổ thông Marie Curie, Quận 3, việc giao hẳn công tác này về cho các trường đại học là điều hợp lý. Những học sinh đã đủ khả năng dù thi bằng cách này hay cách khác các em vẫn có thể đáp ứng các hình thức thi hoặc khảo sát vào các trường. Tuy nhiên, nếu chỉ xét tốt nghiệp thì đề minh hoạ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây đã lạc hậu khi đề thi thích ứng 2 mục đích xét tốt nghiệp và đại học.

Những học sinh đã đầu tư học tập theo khối ngành và hình thức thi 2 trong 1 sẽ có ít nhiều bỡ ngỡ, thậm chí hoang mang trước sự thay đổi này. Khuynh hướng thứ nhất các em học trung bình, các em có khuynh hướng chọn những trường đại học xét học bạ. Những đối tượng học sinh còn lại muốn vào các trường đại học tốp trên, danh giá, thì các em muốn có một kỳ thi để xét tuyển đại học chung cả nước. Bởi vì các em đã ôn tập, học hành kỹ lưỡng theo hướng đề Bộ cho hàng năm. Bây giờ để các trường đại học tự chủ đưa đến các hình thức xét tuyển, các em lúng túng không biết các trường đại học sẽ cho khuynh hướng gì để học" Giáo viên Trần Văn Toàn nói.

Mặc dù việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông chỉ với mục đích xét tốt nghiệp xuất phát từ mong muốn giảm áp lực, đồng thời vẫn có thể đánh giá học sinh cả nước, đảm bảo sự công bằng cho học sinh. Điều này cũng giúp cho các trường trung học phổ thông giảm nhẹ áp lực công tác chuẩn bị hồ sơ cho học.

Tuy nhiên, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, Quận Thủ Đức cũng cho rằng, sự thay đổi này quá gần và làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh phụ huynh khi họ đã chuẩn bị cho một phương án thi với mục đích xét tuyển đại học. Học sinh đã lựa chọn những khối thi, ban thi để tập trung ôn luyện trong 3 năm như là thế mạnh, sẽ bị thay đổi. Ông Phạm Phương Bình cho rằng, khi bỏ kỳ thi Trung học phổ thông với mục đích xét tuyển đại học quay trở lại một số trường đại học phải chuẩn bị một số kỳ thi riêng. Kỳ thi riêng đó cũng sẽ phát sinh ra các vấn đề: học sinh phải tổ chức ôn luyện lại, ôn luyện riêng, ăn ở di chuyển về các trường đại học để tham dự các kỳ thi.

Như vậy, sẽ phát sinh thêm phần kinh phí lớn từ phía phụ huynh học sinh từ các vùng miền, các tỉnh về các thành phố ôn thi. Các thí sinh phải tính toán thêm khoảng thời gian, phải chủ động nắm bắt.

thi tốt nghiệp 2

Ảnh minh họa.

Theo ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang, Quận 5, việc học để thi cần phải có thời gian nhiều hơn để ôn tập. Thời gian qua, mặc dù các trường đều tổ chức hình thức dạy học trực tuyến nhưng sự tiếp nhận của các em không thể như việc học trên lớp. Trong khi trở lại học tập trung sau dịch bệnh dự kiến chỉ được từ 1-2 tháng. Thời lượng này chỉ đủ cung cấp kiến thức cho học sinh. Vì vậy, theo ông Võ Thiện Cang để các em đáp ứng tốt các kỳ thi thực sự rất khó.

Theo ông Cang, cho dù Bộ GD-ĐT có ra đề dễ hoặc tinh giảm thậm chí đến 50% độ khó, thực sự giáo viên và học sinh cũng không biết đường nào mà lần. Nói chung là khó, khó trăm bề. Sắp tới, đối với học sinh trường Trần Hữu Trang sẽ tăng thời gian học cho các em trong thời gian còn lại. Tập trung vào những nội dung chương trình không giảm tải. Tất cả giáo viên, học sinh cán bộ quản lý phải tập trung sau khi đi học trở lại thôi. Không còn cách nào khác!

Dịch bệnh là điều không mong muốn, nhưng những ứng phó hợp lý với tình hình dịch bệnh là điều chúng ta có thể chủ động. Mặc dù xuất phát từ mong muốn giảm tải cho học sinh nhưng nếu không có sự chỉ đạo nhất quán chung trong việc tuyển sinh đại học của các trường, e rằng sự giảm tải của kỳ thi trung học phổ thông sẽ mở ra thêm nhiều cái khó cho học sinh.

Nhiều tỉnh, thành có quyết định cho học sinh đi học trở lại - (VOH) - Sáng 23/4, nhiều tỉnh, thành trên cả nước quyết định thời gian cho học sinh đi học trở lại trong đó, học sinh tại 8 địa phương đã đến trường.                                                

Bình luận