Khi sự học không bao giờ muộn - Kỳ 1: Thanh xuân tìm lại nơi lớp học!

(VOH) - Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, những cụ ông, cụ bà lại khăn gói cắp sách đến trường, viết tiếp ước mơ dang dở thời trẻ.

Họ đi học để không thấy mình già, mình vô dụng. Trên hết, học để làm gương cho con cháu nhìn vào đó mà soi rọi mình. Và, với nhiều người lớn tuổi đang theo học hệ chính quy tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, ở huyện Củ Chi TPHCM, chỉ đến khi được trở lại giảng đường, tiếp cận kiến thức với tất cả sự đam mê, họ ví von như được trở về thời thanh xuân của mình. 

Cụ Lê Thị Mỹ (tóc trắng)- Học viên U80 trong giờ học

Giờ học môn Y lý cổ truyền, “học viên” Lê Thị Mỹ nổi bật với mái tóc bạc phơ. Cũng như bao giảng đường, “học viên” chăm chú lắng nghe thầy giảng. Đôi chỗ, khó hiểu với các thuật ngữ chuyên ngành, đôi mày hơi nhăn lại. Có những chỗ còn lơ mơ, nhưng ngại chưa dám hỏi thầy. Cũng may, có học viên trẻ hơn thắc mắc đúng ý của mình, vậy là thầy giải đáp cho cả lớp. Đôi tay nhăn nheo lần túi áo, lọ mọ mãi mới mở được khóa điện thoại thông minh, đưa lên chụp hình slide bài giảng, để tối về nhà học lại. Tết này, “học viên” Lê Thị Mỹ vừa bước qua tuổi 75.

Cụ Lê Thị Mỹ quyết tâm đi học trở lại sau tai nạn xe

Ở ngôi trường này, ai cũng biết đến cụ Mỹ. Không phải vì cụ là một trong những học viên thuộc hàng U80 của trường, mà vì chính nghị lực phi thường của cụ. Việc học hành của cụ thật không dễ dàng, khi đã từng… gãy gánh giữa đường. Chuyện là năm ngoái, khi cụ tự chạy xe gắn máy từ Hóc Môn đến trường, bị tai nạn giao thông chấn thương ở đầu, làm sụt giảm trí nhớ. Cộng với tuổi tác, bác sĩ dự đoán phải mất một năm mới hy vọng phục hồi cả sức khỏe và trí nhớ. Khi nghe bác sĩ nói vậy, lúc đó cụ không lo cho sức khỏe của mình, mà lại lo nếu vậy thì chắc phải nghỉ học. Bằng những kiến thức đã học ở trường trong lĩnh vực đông y, cụ tự áp dụng chữa cho mình hàng ngày, kết hợp với thuốc tây y, dần dần cụ thấy đỡ hơn. Hay tin cụ nghỉ học, “bạn học” U70 tới nhà thăm, “rủ rê” đi học lại. Vậy là cụ quay lại với bạn bè và niềm vui của mình:  “Anh bạn học chung nghe tôi bệnh, tới thăm tôi. Ảnh hỏi, giờ cô tính sao? Tôi nói, thôi bệnh quá giờ cô nghỉ học chứ làm sao đi được. Mọi lần tôi đi xe máy xuống đây học, ở nhà tôi xuống tới đây 12 cây số. Nhưng giờ sao đi được. Xong anh kia nói, vậy để con chở cô đi. Ừ, vậy thì đi. Tôi ráng đi học từ đó tới giờ. – Bác sĩ nói trí nhớ khó phục hồi, vậy đi học bà tiếp thu có khó khăn không? – Ban đầu thì khó, hồi đó trí nhớ tiếp thu 10 phần, giờ cũng còn 3 phần, cho nên tôi cứ tiếp tục”.

Một điều thật kỳ lạ, mà chính vị lãnh đạo của trường này trong quá trình quan sát thái độ người học đã đúc kết: người già đi học chăm hơn người trẻ. Bằng chứng là dù quãng đường xa xôi, trái gió trở trời đánh đố sức khỏe tuổi già, thì những học viên U70, U80 lại không vắng học buổi nào. Chỉ có thể lý giải bằng hai chữ “đam mê”. Nếu không đam mê, thì chắc ông Trịnh Văn Tính, hơn 60 tuổi, sao có thể vượt quãng đường gần 2 giờ đồng hồ từ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh để đến lớp học đều đặn như chia sẻ của ông qua trò chuyện với chúng tôi:

“Tôi đi học xuất phát từ niềm đam mê, đam mê với ngành đông y này.
PV: Việc làm này có liên quan gì đến công việc hiện tại của mình hay không ạ?
Có liên quan gì đâu. Nhưng mà tôi mê, vì sao tôi mê? Vì mình có tuổi rồi, mình học xong về mình có thể làm được cái gì đó.
PV: Quãng đường đi về có xa không ạ?
Đi hết 1 tiếng 40 phút. Một ngày đi học như vậy là tốn hết năm mươi ngàn tiền xăng. Nói chung là với sức khỏe như vậy thì cũng là xa, nhưng phải cố gắng. Hôm nào mệt quá thì tôi đi xe buýt”.

Tương tự, bà Trần Thị Dừng, ở huyện Bù Đốp, Bình Phước làm gì thì làm, cứ cuối tuần là giao hết nhà cửa, công việc cho con cái, rồi bắt xe đò về TPHCM. Hai ngày cuối tuần, bà dồn hết tâm trí vào con chữ, vào các kiến thức cơ bản về đông y, về châm cứu bấm huyệt. Nếu tính trong họ hàng, kể cả bà, tổng cộng có 6 người đang theo học trung cấp tại trường này, cho biết thêm qua cuộc trò chuyện:

Cụ Trần Thị Dừng,  ở Bình Phước, có tổng cộng 6 người trong dòng họ đều theo học

PV: Gia đình cô có bao nhiêu người đang học ở trường này?
Có hai đứa cháu kêu bằng mợ. Hai đứa cháu kêu bằng bà cũng học ở đây. Một đứa làm trong phòng khám của mình cũng học ở đây luôn.
PV: Những kiến thức cô học giúp ích cho cô thế nào?
Rất là hay luôn. Mình thấy mình được mở mang trí tuệ nhiều lắm, hơn là nhà mấy đứa con dạy cho mình. Ví dụ con mình dạy về châm cứu, thì mình biết châm cứu thôi chứ lý thuyết thì phải về trường học. Rồi kiến thức về cơ, xướng, khớp, thầy cô dạy tận tình nên mình hiểu, mình thích lắm.
PV: So với học viên khác, cô có thấy khó khăn gì, với các môn lý thuyết ghi chép hay không?
Có những cái rất khó, mình về nhà mình lần mò ra rồi mình mới hiểu được. Ví dụ, bây giờ học cô giáo bắt trả bài liền, thì cô nhớ 1,2 câu thôi. Mình cũng nói với cô là mình chậm hiểu, xin cô cho về học thêm, ngày mai lên trả bài đúng hết. Vì vậy, mình ráng cố gắng. Cô không có nghỉ ngày nào hết. Lớn tuổi cũng đi học, học hoài. Giờ cho tới 70 tuổi, nếu cô còn sống cô cũng học nữa”.

Những học viên “kỳ lạ” trên, không phải là hiếm, khi ở ngôi trường vùng ven này, "cụ" học sinh còn đông hơn cả người trẻ tuổi. Hiện Trường Trung cấp Tây Sài Gòn có gần 1.500 học viên đang theo học ngành Y sĩ Y học cổ truyền, Dược cổ truyền. Trong đó, hơn 600 trường hợp từ 60 tuổi trở lên. Họ, những người đã rành các cây thuốc, có kinh nghiệm khám chữa bệnh nhiều năm, có phòng khám chữa bệnh về đông y. Tuy nhiên, từ trước đến nay họ vẫn khám chữa bệnh theo kiểu cha truyền con nối, mà chưa được trang bị kiến thức nền tảng bài bản về lĩnh vực đông y.

“Già rồi, không ở nhà vui vầy con cháu, đi học làm chi” – mấy câu này các học viên lớn tuổi của trường nghe riết rồi quen. Thế nhưng, cũng chính là cái tuổi này, họ lại nhận ra việc học không bao giờ là đủ. Có ai đặt ra giới hạn cho cái sự học bao giờ, khi các cụ vẫn muốn tiếp thêm kiến thức, góp nhặt cho đời những việc làm ý nghĩa. Vậy đó, ở cái tuổi gần đất xa trời, các cụ vẫn đến lớp học là một điều đáng quý, làm tấm gương để người trẻ noi theo tinh thần học tập suốt đời.