Khơi dậy tự hào di sản Việt từ trải nghiệm kiến tập thực tế

VOH - Với chương trình "FROM FARM TO TABLE", các bạn trẻ được khám phá quy trình sản xuất trà, mở ra những bài học thực tế về văn hóa doanh nghiệp và việc bảo tồn và phát huy giá trị trị truyền thống.

Trong không khí se lạnh của Bảo Lộc – nơi được biết đến là “thủ phủ” của cây chè và nghề ươm tơ dệt lụa (trà B'Lao, lụa tơ tằm Bảo Lộc), các bạn sinh viên từ trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM đã có dịp tham gia chương trình trải nghiệm “From Farm to Table”. Đây là một hành trình gắn kết giữa giáo dục, văn hóa và cộng đồng, góp phần khơi dậy tình yêu và trách nhiệm đối với những giá trị truyền thống.

Hành trình từ nông trại đến bàn trà

Nhà máy chè cổ 1927 là một trong những điểm đến đầu tiên của hành trình. Đây là một trong những nhà máy chè lâu đời nhất của Việt Nam, không chỉ là một điểm đến, mà còn là nơi lưu giữ ký ức của ngành chè, gắn liền với bản sắc văn hóa vùng đất B’Lao. Được thành lập gần 100 năm trước, nhà máy bảo tồn và phục dựng những máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất trà đen truyền thống, được xem là cổ nhất Đông Dương. Trong chuyến đi này, các bạn trẻ được tận mắt chứng kiến toàn bộ những công đoạn sản xuất chè từ xa xưa cho đến hiện tại.

Đây là cơ hội để các bạn trẻ tìm hiểu về lịch sử hành trình di sản, cũng là cách để truyền cảm hứng và lan tỏa niềm tự hào cho giới trẻ từ những câu chuyện, hành trình trăm năm ngành chè, đặc biệt là trà B’Lao. Một trong những điểm thú vị trong chuyến hành trình này là cơ hội được tìm hiểu về Việt Trà Thức – cái thức về trà của người Việt, được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm, để hiểu sâu hơn về trà và trí tuệ của cha ông ta.

z6082904651310_aa4d610289a197c7fc8c3eb366388366
Đây là cơ hội để các bạn trẻ được tìm hiểu về lịch sử của một di sản, cũng là cách để truyền cảm hứng và lan tỏa niềm tự hào di sản Việt, đặc biệt là trà (chè) B’Lao. Ảnh: UEF

Đây cũng là cơ hội để tìm hiểu về nông nghiệp bền vững, khi nhà máy áp dụng các phương pháp trồng trọt thân thiện với môi trường, gắn liền với trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên. Những câu chuyện về vùng đất, con người và ngành chè Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, khơi gợi lòng tự hào về sản phẩm nông nghiệp của quê hương.

Giá trị văn hóa doanh nghiệp

Không chỉ tập trung vào sản xuất, Nhà máy chè cổ 1927 còn là biểu tượng của văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp, kỷ luật và trách nhiệm. Tham quan nhà máy, các bạn trẻ được khám phá cách doanh nghiệp giữ gìn những giá trị truyền thống trong khi vẫn không ngừng đổi mới và xây dựng thương hiệu. Đây là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn giá trị di sản và phát triển hiện đại, góp phần nâng tầm vị thế ngành chè Việt Nam trên thị trường quốc tế.

z6082904325364_c81297cb81a2c1551822cb5ff076c479
Các bạn trẻ rất hào hứng khi được trải nghiệm và tìm hiểu một cách chuyên sâu về quy trình sản xuất cũng như tạo ra giá trị cho mỗi lá chè. Ảnh: UEF

Gắn kết kiến thức với thực tiễn

Chương trình “From Farm to Table” không chỉ dừng lại ở việc tham quan mà còn tạo cơ hội để các bạn trẻ hiểu sâu hơn về mối liên kết giữa nông nghiệp, công nghiệp và thương mại. Đặc biệt hơn hết là tìm hiểu sâu về lá chè Việt Nam. 

 
z6082903249167_02722a7f4f213e5f81cbee5fa08043af
Những bài học thực tế từ mô hình sản xuất tại nhà máy giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, định hướng nghề nghiệp và khơi gợi tinh thần sáng tạo.

Ngành chè Việt Nam cần những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ việc gìn giữ kỹ thuật chế biến thủ công, đậm đà bản sắc dân tộc, đến áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc quảng bá văn hóa trà qua các chương trình du lịch trải nghiệm, như khám phá nhà máy chè cổ 1927, sẽ góp phần đưa hình ảnh trà Việt vươn xa trên bản đồ thế giới.

z6082904338261_76d4267d915775352a3bbc825d78ae48
Để trà không chỉ là một thức uống mà còn trở thành niềm tự hào, việc phát huy những giá trị văn hóa xung quanh trà là điều vô cùng quan trọng. Ảnh: UEF

Trà không chỉ là hương vị của đất trời, mà còn là cầu nối văn hóa, giúp giới trẻ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị truyền thống, khơi gợi niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.

Những giá trị nhân văn từ chuyến đi không chỉ mang lại bài học quý giá cho từng cá nhân tham gia mà còn lan tỏa thông điệp về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đây là một trong những mô hình đáng được nhân rộng, góp phần gắn kết giữa giáo dục, doanh nghiệp và cộng đồng để cùng nhau hướng đến sự phát triển toàn diện.

Với sức hút của những giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế, Nhà máy chè cổ 1927 không chỉ là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động học tập thực tế, mà còn là niềm tự hào của vùng đất Bảo Lộc – nơi văn hóa truyền thống và hiện đại hòa quyện, cùng kiến tạo nên tương lai bền vững.

Bình luận