Khống chế người bị “ngáo đá” là phòng vệ chính đáng

(VOH) – Trước tình trạng người “ngáo đá” liên tục gây ra hành vi đe dọa nghiêm trọng đối với những người xung quanh, VOh đã thực hiện chương trình hướng dẫn “kỹ năng xử lý khi bị người ngáo đá tấn công”. Dù vậy, nhiều người vẫn băn khoăn không biết việc bắt trói đối tượng ngáo đá liệu có đúng luật hay không?

Võ sư Lê Hoàng Mai cảnh báo, khi muốn khống chế người ngáo đá, người dân không dùng dao, gậy để tấn công người ngáo đá, cũng không vào khống chế trực tiếp vì lúc này thể trạng người ngáo đá rất khỏe và không biết đau… việc đánh đập không có nhiều tác dụng mà có thể gây chấn thương, thậm chí là tử vong cho người ngáo đá.

Hạn chế việc khống chế người ngáo đá bằng bạo lực (Ảnh: LH)

Theo võ sư Lê Hoàng Mai để khống chế người ngáo đá mà hạn chế thấp nhất việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của họ, nên sử dụng sợi dây dài 5-6 mét, 2 người cầm 2 đầu sợi dây căng ngang, chạy quấn vòng quanh người ngáo đá cho đến khi đối tượng không còn gây nguy hiểm thì mới tiến sát khống chế.

Ngoài ra, người dân có thể sử dụng 1 bao bố, một người đứng phía trước gây sự chú ý với đối tượng, 1 người đằng sau cầm bao bố trùm đối tượng rồi đè xuống khống chế.

Tuy nhiên, nếu người ngáo đá quá manh động, nguy hiểm và uy hiếp đến tính mạng người xung quay, khiến người dân buộc phải xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người ngáo đá để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho mình hoặc cho người khác thì được pháp luật bảo vệ. Theo điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 thì đây được gọi là “phòng vệ chính đáng”.

Tuy nhiên, việc phòng vệ chính đáng cũng phải áp dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nếu người “ngáo đá” dùng hung khí uy hiếp, đe dọa tính mạng mình và mọi người thì ai cũng có thể dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi xảy ra. Tuy nhiên, nếu hành vi nguy hiểm của người “ngáo đá” đã chấm dứt mà người dân tiếp tục tấn công gây thương vong hoặc thương tích cho họ thì bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tùy vào mức độ mà người có hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người”, “cố ý gây thương tích” hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.