Chờ...

"Không có máy móc, công nghệ nào có thể thay thế được thầy cô"

(VOH) - Sáng 13/11, Công đoàn Giáo dục tổ chức buổi Họp mặt giao lưu "Trái tim người thầy" năm 2019, nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo việt Nam (20/11/1982-20/11/2019).

Buổi họp mặt nhằm tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi tiêu biểu, của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM. Các giáo viên này là những người đã có những nỗ lực mang đến hạnh phúc cho học sinh, là những tấm gương hi sinh tận tụy, sống có trách nhiệm, góp phần nêu cao đạo đức truyền thống nhà giáo.

Ngày Nhà giáo việt Nam

Giao lưu "Trái tim người thầy"

Tại buổi họp mặt, câu chuyện chọn nghề sư phạm, kinh nghiệm giáo dục học sinh được các thầy cô chia sẻ. Như những phát hiện kịp thời tình trạng trầm cảm của học sinh của một giáo viên ở Cần Giờ đã giúp học sinh vượt qua những ý nghĩ tự kết liễu cuộc sống; câu chuyện về cô bé tiểu học bị mất một chân do tai nạn đã tự tin hơn khi thầy giáo tạo điều kiện phát huy năng lực trong đội nghi thức của nhà trường; câu chuyện về cô giáo mầm non đã hỗ trợ học sinh bị tự kỷ hoà nhập tốt và phát triển thành học sinh khoẻ mạnh tích cực...

Giáo viên Phạm Thị Phương Linh, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Trần Văn Giàu, Quận Bình Thạnh, chia sẻ tại buổi giao lưu: “Mỗi năm, trái tim người làm giáo viên chủ nhiệm dường như lớn ra thêm để chứa đựng những tình cảm của học sinh. Mình cảm thấy đây là một nghề thực sự rất đáng quý. Học sinh yêu thương, trân trọng mình. Cho dù sau này công nghệ 4.0 phát triển vũ bão như thế nào, có thể học trên mạng, tiếp xúc công nghệ thông tin rất nhiều, nhưng vai trò của người thầy người cô vẫn chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Chính thầy cô sẽ là người giáo dục tư cách đạo đức, nhân cách, định hướng tương lai cho các em. Điều đó, không có máy móc, công nghệ nào có thể thay thế được".

Lãnh đạo Sở GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục trao hoa cho các giáo viên giao lưu tại chương trình "Trái tim người thầy".

Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, nhắc về cô giáo dạy Toán lớp 7 của mình. Người đã phát hiện, động viên, khích lệ cậu bé học sinh trường làng có sức học bình thường năm nào, yêu thích, tìm hiểu về môn học nhiều hơn. Từ đó, nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên bộ môn Toán sau này. "Tấm gương của thầy cô giáo, tôi cho rằng quan trọng hơn cả kiến thức thầy cô cho học sinh. Sự quan tâm, sâu sát, gắn bó biết được từng tâm trạng học sinh, động viên đúng lúc...là rất quan trọng. Thầy cô giáo của chúng ta rất có tâm, hiểu được học sinh và đem đến cho các em nhiều cơ hội phát triển, vươn lên", ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định