Chờ...

Không được dùng kết quả đánh giá môn Ngoại ngữ để xét lên lớp 1, 2

VOH - Theo Hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp tiểu học, Bộ GD-ĐT yêu cầu khi thực hiện dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp.

Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình Ngoại ngữ 1 tự chọn môn Tiếng Anh; chương trình Ngoại ngữ 1 bắt buộc các môn Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc 3, Tiếng Hàn, Tiếng Đức và đã tổ chức thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) các môn Ngoại ngữ 1.

Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1, lớp 2 bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5 phù hợp với thực tiễn của địa phương và đáp ứng các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn Ngoại ngữ 1 của Bộ GD-ĐT.

Bộ cũng yêu cầu sử dụng SGK và các tài liệu, học liệu khác theo quy định để tổ chức dạy học; khi triển khai không được gây quá tải với học sinh tiểu học.

Không được dùng kết quả đánh giá môn Ngoại ngữ để xét lên lớp 1, 2 1
Ảnh minh hoạ

Đối với Ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1 và lớp 2, căn cứ vào nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng về điều kiện bảo đảm, các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn trong số các môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật hoặc Tiếng Đức theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Khi thực hiện dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3; thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh.

Đối với môn Tiếng Anh, sử dụng SGK trong danh mục SGK được Bộ phê duyệt; các môn Ngoại ngữ 1 còn lại thì cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn tài liệu theo thẩm quyền và quy định của Bộ.

Về thời lượng dạy học, Bộ GD-ĐT cho biết học sinh lớp 3-5 học Ngoại ngữ 1 với 140 tiết học/năm học, tương đương 4 tiết/tuần học.

Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học tăng cường thời lượng học môn Ngoại ngữ 1 theo nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh theo quy định trên cơ sở khả năng đáp ứng của nhà trường và không gây quá tải cho học sinh.