Kỳ 1: Cả thanh xuân dành cho trò nhỏ

(VOH) - Thời gian qua, giáo dục với biết bao câu chuyện khiến nhiều người trong chúng ta trăn trở.

Trăn trở bởi cái chung không được dư luận đồng thuận ấy liệu sẽ ảnh hưởng đến con em của mình. Rằng, liệu con em mình sẽ được học trong một môi trường giáo dục như thế nào khi mà hôm nay chúng ta nghe đâu đó nhà trường bòn rút quỹ, đâu đó là trường lạm thu, đâu đó là giáo viên bạo hành học sinh… là nạn chạy trường chạy lớp…

Nghe bài viết:

Thế nhưng, chúng ta cũng tin chắc rằng, bên cạnh những cái chưa tốt ấy vẫn có biết bao điều hay hiện hữu. Đó là tấm lòng của những người thầy người cô luôn tận tụy với sự nghiệp trồng người. Thầy cô vẫn thầm lặng nơi bục giảng, thầm lặng kiên trì với bao thế hệ học sinh. Ngoảnh lại, thanh xuân đã qua. Ngoảnh lại, cả cuộc đời họ chỉ vỏn vẹn là những ngày bám trường bám bản. Tấm lòng, tấm chân tình của những thầy cô giáo nơi vùng cao Tây Bắc – điểm Trường Tiểu học bán trú Tá Bạ, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè.

giáo viên vùng cao, học sinh vùng cao

Các em học sinh vùng cao Tây Bắc. Ảnh minh họa: Hồng Thúy

Trường Tiểu học nội trú Tá Bạ nằm sâu trong huyện Mường Tè, để vào được đến nơi này từ TP Lai Châu phải đi thêm gần 200 cây số, đường thì sạt lở, có đoạn lũ quét đã nuốt chửng, phải cắt ngang rừng mà đi. Có lẽ vì xa xôi, cách trở, nên hiếm lắm mới có người đến đây. Những em học trò và thầy cô thấy người từ phương xa tới thì mừng lắm, đôi bàn tay nắm mãi không rời. Bây giờ đã thế, huống hồ gì mươi mười năm trước – ngày các thầy giáo, cô giáo trẻ tình nguyện lên gieo chữ cho học trò chắc còn khó khăn hơn gấp bội phần, cô Đinh Thị Thanh Huyền – Quê Phú Thọ vẫn còn nhớ như in ngày hôm ấy: "Năm 2005-2006 bọn em tốt nghiệp. Từ dưới quê lên đây bố đưa đi. Đi thì bị nhỡ xe, đi 2-3 ngày mới đến đây. Vừa đến Mường Lay thì bố em bảo “Bố nhìn thấy trên này vất vả lắm, hay thôi bố con mình đi về đi”. Bố em rủ thế đấy nhưng em bảo “Thôi bố ạ, mình đã lên đây rồi, đi vào xem Mường Tè như thế nào đã”. Thế là cứ vào, con công tác 1 thời gian, nếu thấy không được thì con về bố ạ. Cảm giác ngày đó không biết nói thế nào đâu. Trời thì rừng núi cây, tối mù mịt mà trời lại mưa nữa, 12 giờ trưa mà cứ cảm tưởng 5-6 giờ chiều rồi. Đi 1 ngày trời vào đến trong bản.

Nói là vậy nhưng ngoảnh đi, ngoảnh lại cô Huyền đã gắn bó với nơi này mười mấy năm trời. Với thầy Lê Hoài Phương, 12 năm kể từ ngày chàng trai quê Hà Tĩnh đến với bản làng với biết bao kỷ niệm là một phần ký ức của một thời tuổi trẻ dấn thân cho nghề: "Ngày xưa đi bộ tận 2, 3 ngày đường thì mơi vào đến điểm bản để công tác được. Vất vả thì vất vả thật, tuy nhiên luôn cảm nhận bà con sống được thì các thầy các cô cũng sống được. Có niềm tin 1 tí là ở đây có các đồng chí bộ đội biên phòng lúc nào cũng sát cánh với các thầy cô giáo cho nên yên tâm".

Ngày ấy và cho đến tận bây giờ, sự thay đổi trong nhận thức của bà con đồng bào về việc học hành vẫn chưa nhiều,  bữa ăn hằng ngày đã khó thì nói gì đến chuyện lo cái học cho con. Nên họ cứ kệ, thầy cô đến trường vận động thì phải lo miếng ăn và cả những lúc các em bị bệnh. Cứ vậy, thầy chẳng những là người dạy chữ, truyền thụ kiến thức mà còn trở thành cha, thành mẹ của các em. Cái quần cái áo cũng mang đi giặt, những lúc các em nhớ nhà, trốn về thì thầy lại đi tìm, em đói lả bên đường thầy lại cõng trên lưng về lại khu nội trú, nấu cháo cho ăn, chong đèn ngồi bên cạnh. Thế nên, đã trót dành tình yêu cho nghề giáo, dành tình yêu cho mảnh đất này thì cả tuổi thanh xuân cũng chẳng sá gì:

 "Xã Tá Bạ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, đồng bào chủ yếu là dân tộc La Hủ. Thầy cô chúng tôi làm việc ở đây rất là vất vả, gần như là sự chia sẻ, sự giúp đỡ của phụ huynh học sinh là gần như không có. Gần như họ sinh con ra là để thuận theo tự nhiên, đó là cái khó khăn nhất trong quá trình làm công tác giáo dục – nhận thức của bà con gần như không có"

"Có những em học sinh cách xa nhà trường 70 cây số, hàng tuần giáo viên phải cắm. Xa quá, bố mẹ không đưa xuống, phải cử thầy giáo lên trên đó vận động tuyên truyền đưa em về trường học hành. Đến tận điểm bản, đến tận những nương lúa, nương sắn mới đưa về được. Học sinh ốm đau rất nhiều. Thứ nhất do thời tiết thay đổi, thứ 2 do giày dép quần áo của các em không đảm bảo. Những ngày thời tiết rét đậm rét hại thì chúng em đốt lửa sưởi ấm trong lớp học, thầy cô trò chuyện chứ ở nhà là không có gì cả, chăn chiếu không có...".

" Chăm sóc các em lắm lúc còn hơn chăm sóc con mình. Chiều giặt giũ, em nào nhỏ quá thì thầy cô làm hộ. Các em ở đây lắm lúc bố mẹ cũng không quan tâm nên tất cả các thầy cô giáo là bố là mẹ hết. Kể cả ốm đau bố mẹ họ cũng phó mặc cho nhà trường".    

Ngôi Trường Tiểu học Na Ngoi 1, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An quanh năm mây phủ. Những ngón tay của trò nhỏ lạnh cóng, thì đôi bàn tay của cô giáo cũng run rẩy theo, con chữ cũng vì thế mà nhảy múa. Lâu lắm mới về quê một lần mà cứ khi quay lại cô Vy Thị Thanh lại chở theo biết bao nhiêu quần áo cũ cho những em học trò nghèo. Mùa đông ở nơi biên giới giáp Lào này cũng buốt lạnh hơn vùng khác, cái nắng thì cháy đến bỏng rát nhưng đôi chân cô vẫn miệt mài bám trường, bám bản: "Bọn em làm giáo viên chủ nhiệm thì đôi lúc rất thương học trò, xin quần áo cũ ở dưới xuôi cho các em học sinh khó khăn nhất, chỉ ở nhà được một ngày thứ 7, chủ nhật đã phải lên rồi, sách vở của các em cũng là do thầy cô đi xin hết".

Hỏi chuyện gia đình riêng, nhiều thầy cô bẽn lẽn xoắn đôi bàn tay, nhìn về nơi xa lắm, bởi ngoảnh đi, ngoảnh lại đã thấy tuổi xuân trôi qua mất, thôi thì lấy học trò làm niềm vui mỗi ngày vậy. "Ở trong này tuổi xuân, nói thật với chị lắm lúc là mình ở trên này xa xôi quá. Em lên đây gặp chồng em bây giờ. Còn 1 chị nữa, chị nói “Bây giờ chị có người yêu rồi, em chả có ai cả. Em ở đây thì làm sao em lấy được chồng đây”.

Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên sẽ rất vui mừng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành và lớn lên. Với những giáo viên ở vùng biên giới, hải đảo xa xôi, không chỉ có tuổi thanh xuân trôi qua cùng những trò nhỏ của mình mà còn phải hy sinh hạnh phúc riêng để hun đúc cho ngọn lửa nghề cháy mãi trong tim.