Kỳ thi Đánh giá năng lực: Tác động đến cách dạy và học bậc phổ thông

(VOH) – Đã có 70 đơn vị sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức để xét tuyển đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội.

Dự kiến ngày 28/03, Đợt 1 của Kỳ thi Đánh giá năng lực 2021 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra ở 7 địa phương là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và 2 điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 70 đơn vị sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức để xét tuyển.

Sau lần đầu tổ chức vào năm 2018, kỳ thi Đánh giá năng lực đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội. Kỳ thi Đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Đánh giá năng lực cũng như nhìn lại những ý nghĩa của kỳ thi, VOH phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Vũ Hải Quân
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:

*VOH: Thưa ông, dự kiến cuối tháng 3, Kỳ thi Đánh giá năng lực Đợt 1 sẽ diễn ra tại 7 địa phương. Ông cho biết sự chuẩn bị của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đối với kỳ thi năm nay?

Tiến sĩ Vũ Hải Quân: Kỳ thi Đánh giá năng lực năm nay chúng tôi mở rộng thêm một số điểm thi mới ngoài các địa điểm thi truyền thống. Việc mở rộng điểm thi với mục tiêu chính là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có thể tiếp cận kỳ thi một cách đơn giản nhất hiệu quả nhất.

Một số công việc quan trọng liên quan đến khâu chuẩn bị, thứ nhất là đề thi bởi vì, mỗi năm chúng tôi tổ chức hai đợt thi. Như vậy, yêu cầu cơ bản nhất của hai đợt thi này về mức độ khó của đề thi phải tương đương nhau.

Ví dụ, thí sinh thi Đợt 1 được 700 điểm thì thi Đợt 2 cũng phải cỡ 690 – 710 điểm.

Thứ hai, đảm bảo tính đúng đắn của đề thi. Để làm được điều đó, tiến trình chuẩn bị đề thi, ngân hàng câu hỏi là quá trình diễn ra liên tục. Trong 4 năm qua, chúng tôi cũng đã và đang tiến hành nhưng vẫn phải tiếp tục và hoàn thiện hơn nữa.

Tôi cũng đã đề nghị Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sắp tới mở rộng đối tượng để có thể đóng góp cho ngân hàng câu hỏi đề thi.

Không nhất thiết chỉ là các chuyên gia của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mà có thể mời các thầy, cô có kinh nghiệm ở trường phổ thông. Thứ nhất các thầy cô cũng hiểu được đề thi đánh giá năng lực như thế nào thì mới có thể định hướng được cho học sinh cách để làm bài thi; Thứ hai giúp đa dạng hóa các câu hỏi từ các thầy cô.

Sau khi có ngân hàng câu hỏi, chúng tôi cũng phải cho học sinh thi thử để đánh giá độ khó của các câu hỏi mà ban tổ chức tự phân loại. Tất nhiên, chúng tôi không đánh giá hết 100% câu hỏi nhưng từ việc lấy mẫu và đánh giá câu hỏi đó, chúng tôi rút ra, phân loại được hệ thống câu hỏi với mức độ khó khác nhau.

Một bước quan trọng nữa là tập huấn cho cán bộ coi thi để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở mức cao nhất và giữ được tính nghiêm túc, minh bạch trong tổ chức kỳ thi.

*VOH: Thưa ông, sau lần đầu tổ chức vào năm 2018, đến nay chúng ta nhìn lại ý nghĩa của kỳ thi đối với thí sinh như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Hải Quân: Đối với kỳ thi Đánh giá năng lực, tôi nghĩ nó có một số ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, tôi cảm nhận rằng nếu như chúng ta mở rộng ra và làm tốt hơn thì ở một chừng mực nhất định sẽ làm thay đổi cách học của học sinh phổ thông.

Bởi vì đề thi Đánh giá năng lực khá toàn diện, có cả tự nhiên, xã hội, toán, tiếng anh…Để làm được bài thi, học sinh không chỉ học 3 môn toán, lý, hóa mà phải học cả xã hội, tiếng anh, giáo dục công dân cho nên tôi nghĩ nó sẽ thay đổi cách học, không còn "học gạo, học tủ" nữa.

Thứ hai, nó cũng sẽ làm thay đổi cách dạy, nghĩa là thầy cô không còn khái niệm môn này là môn phụ, môn chính. Thầy cô ở các môn khác nhau đều có vai trò và tầm quan trọng như nhau.

Thứ ba, cũng là quan trọng nhất, làm sao để có một kỳ thi đơn giản nhưng hiệu quả, chính xác để có thể tuyển chọn được cho các trường đại học.

*VOH: Theo ông, kỳ thi này có ý nghĩa đối với các trường đại học – cao đẳng sử dụng kết quả để tuyển sinh như thế nào? Việc sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh vào năm 2019, đã tăng gần gấp 3 trong năm 2020 với gần 70 trường, điều này có tạo áp lực cho đơn vị tổ chức?

Tiến sĩ Vũ Hải Quân: Nếu nói không có áp lực thì không đúng. Thật ra ngay từ lần đầu tiên chúng tôi tổ chức kỳ thi và chỉ có các trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng kết quả để xét tuyển thì chúng tôi cũng đã có áp lực rồi.

Áp lực lớn nhất vẫn là làm thế nào để có một đề thi đánh giá đúng, hai là tổ chức bài bản, không có sơ sót. Sau nhiều năm tổ chức, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, từ kinh nghiệm thực tiễn đó, cho đến kỳ thi năm nay, tôi nghĩ mọi việc đã trở thành nếp, tạm thời yên tâm.

Thế nhưng, áp lực mới lại xuất hiện, ví dụ như với tình hình Covid-19 thì có tổ chức được hay không, an toàn hay không, ở những địa điểm thi mới thì công việc tập huấn cho cán bộ coi thi có đúng ý mình hay không….

Nói chung đây là quá trình cải tiến không ngừng, năm nay phải làm tốt hơn năm trước. 

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận