49 đại biểu đã tham gia đặt câu hỏi trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trong đó gần 20 đại biểu có ý kiến tranh luận lại, nhiều nhất trong các bộ trưởng trả lời chất vấn 2 ngày vừa qua.
Những nội dung được quan tâm nhiều nhất liên quan đến ngành giáo dục và đào tạo là việc đổi mới căn bản lĩnh vực này, việc tổ chức thi cử, phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, việc thực hiện đề án chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho giáo viên, đề án dạy và học ngọai ngữ trong hệ thống giáo dục quốc gia, tình trạng dạy thêm học thêm, việc đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số,…
Quan tâm đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay, đại biểu Cao Thị Xuân – đoàn Thanh Hóa chất vấn: Bộ trưởng có giải pháp và quyết tâm như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giải tỏa bức xúc trong nhân dân về các vấn đề như dạy thêm, học thêm, vấn đề bạo lực học đường, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của chất lượng cải cách tư pháp và cuộc cách mạng công nghiệp?
Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận tình trạng bạo lực học đường có thật và có xu hướng gia tăng, trong số 22 triệu học sinh, sinh viên thì số có bạo lực, có những hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống thì số này là một bộ phận nhỏ nhưng chính bộ phận nhỏ này làm cho vẩn đục và làm cho xu hướng về đạo đức, lối sống ngay từ nhỏ của một thế hệ học sinh, sinh viên có nguy cơ không kiểm soát được. Qua rà soát nguyên nhân có nhiều chứ không phải chỉ trong ngành giáo dục, bởi vì vẫn cả gia đình, xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường rất nhiều, nhưng trước hết với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi nhận trách nhiệm đầu tiên phải giáo dưỡng ngay từ còn nhỏ học đạo đức, học giáo dục công dân.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc công bố chính thức hình thức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2016-2017 vào tháng 09 vừa qua có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi năm 2017 trong khi phương án thi đã được chuẩn bị từ lâu?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là phương thức để kiểm tra kiến thức, còn nội dung, chương trình vẫn không thay đổi. Có thể thi tự luận, có thể thi trắc nghiệm, tùy thuộc vào mục đích và tính chất của kỳ thi. Và đối với kỳ thi THPT, mục đích là kiểm tra kiến thức cơ bản của phổ thông, đảm bảo tính toàn diện, chống học tủ, học lệch và đảm bảo minh bạch, khách quan.
Bên cạnh đó, đặc điểm của kỳ thi này là có số thí sinh đông, lên đến hàng triệu em. Phần lớn các chuyên gia đều nhất trí phương án thi trắc nghiệm đánh giá được số lượng lớn thí sinh.
Cuối giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đăng đàn, trả lời chất vấn.