Chờ...

Kỳ thi Trung học phổ thông 2020 diễn ra an toàn, hiệu quả

(VOH) - Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 khép lại. TPHCM có 74.000 thí sinh, là một địa phương có số thí sinh dự thi cao nhất cả nước.

Có thể nói TPHCM cùng cả nước đã tổ chức thành công kỳ thi trong bối cảnh khá đặc biệt như hiện nay. Thống kê cho thấy TPHCM có 59% thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên và 41% thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội.

Tỷ lệ dự thi ở hầu hết các môn đạt trên 99%, riêng môn Giáo dục công dân là hơn 98%.

 Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tại buổi thông tin về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 tại TPHCM.

Trong ngày thi thứ hai có một trường hợp giám thị làm công tác văn phòng lấy điện thoại ra sạc pin. Trưởng điểm thi đã lập biên bản và cân nhắc xử lý. Tuy nhiên, việc này diễn ra trước giờ làm việc của hội đồng nên chưa tính là vi phạm quy chế.

Trao đổi cụ thể về công tác tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020, phóng viên Đài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM. 

*VOH: Ông đánh giá như thế nào về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 trên địa bàn TP ?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 là kỳ thi đặc biệt. Chúng ta tổ chức Kỳ thi trong bối cảnh tình hình cả nước đang căng mình phòng chống dịch. Đặc biệt, thí sinh ở một số tỉnh Miền Trung còn không được dự thi cùng với lại các bạn trong đợ thi đầu tiên. Đó cũng là một khó khăn của các kỳ thi này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố để tổ chức tốt Kỳ thi. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban chỉ đạo thi Thành phố đã có nhiều văn bản phân công các sở ngành, các quận huyện cùng vào cuộc với ngành giáo dục đào tạo Thành phố để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

*VOH: Những công việc tiếp theo để hoàn tất kỳ thi, có kết quả chấm thi an toàn nghiêm túc, sẽ là gì?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Hiện nay, chúng tôi triệu tập gần 2.000 cán bộ ở hội đồng chấm gồm cán bộ làm phách và cán bộ thực hiện các khâu trước chấm. Trong đó, có khoảng 600 cán bộ chấm thi.

Với sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ tập huấn triển khai đáp án với các tổ trưởng, tổ phó và thư ký tổ chấm. Sau đó, các trưởng bộ môn cùng với các tổ trưởng, tổ phó chấm chung 10 bài để rút kinh nghiệm và xây dựng hướng dẫn chấm theo hướng dẫn chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đảm bảo tất cả tổ chấm đều hiểu, vận dụng đáp án giống nhau.

Chúng ta có 15 tổ chấm. Tất cả các tổ trường, tổ phó và thư ký sẽ về từng tổ, triển khai đáp án và chấm chung ít nhất 10 bài, để vận dụng đáp án cho đồng đều giữa các thành viên tổ chấm.

Năm nay, ngành tiếp tục thực hiện quy chế chấm kiểm tra, đảm bảo quy trình  chấm  5% tổng số lượng bài thi của thí sinh. Trong đó, chúng tôi rất quan tâm đến các điểm thấp, điểm 1-2, điểm liệt và điểm 9 - 10.  Những điểm cao như thế cần phải rà soát lại để đảm bảo khách quan, chính xác.

*VOH: Năm nay, theo quy chế Bộ Giáo dục và Đào tạo giao về địa phương chấm cả bài thi trắc nghiệm, ngành có những giải pháp như thế nào để việc chấm thi an toàn và đảm bảo khách quan?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: TPHCM rất quen với việc chấm trắc nghiệm cho nên là khi Bộ giao công tác chống trắc nghiệm cho thành phố, chúng tôi cũng đã triển khai chuẩn bị sẵn sàng.

Đầu tiên là máy móc, thiết bị để chuẩn bị đáp ứng được số lượng tăng của thí sinh năm nay. Thứ hai là tập huấn các phần mềm do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức. Tất cả các cán bộ thực hiện công việc chuyên môn sẽ được tập huấn. Sau đó là công tác giám sát, thanh tra.

Hiện nay, có một đoàn thanh tra của Bộ thanh tra chấm và một đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thanh tra tất cả các khâu, từ làm mật mã đến làm phách, chấm trắc nghiệm và tự luận.

Trong đó, chấm trắc nghiệm có hẳn một đội của VA 03 Công an thành phố giám sát ngay từ đầu. Từ lúc đưa bài về hội đồng chấm, về điểm chấm thì đã có giám sát chặt chẽ. Quá trình quét bài thì được giám 100%  thời gian. Cán bộ  thanh tra cũng như là cán bộ giám sát thường xuyên liên tục giám sát  quá trình quét, đảm bảo không thể có một bất thường nào xảy ra trong quá trình chấm bài trắc nghiệm.

*VOH: Cám ơn ông!