Làm thế nào để giáo viên sống được với nghề?

(VOH) – Học sinh TPHCM không hề thua kém các nước về trình độ, năng lực trí tuệ, và thường đạt kết quả tốt tại các cuộc thi như Olympic Toán, Lý, Hoá quốc tế...Tuy nhiên các em lại thua hẳn về thể lực so với học sinh các nước Nhật, Hàn Quốc...

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP, tại chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 8-2016, do Đài Tiếng nói nhân dân TP phối hợp với HĐND TP vừa diễn ra sáng 27/8.

Khách mời chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP. Ảnh: Hoàng Lĩnh

Trước thềm năm học mới, bên cạnh các nhiệm vụ như xây dựng đề án tổng thể phát triển giáo dục đào tạo TP, xây dựng bộ sách giáo khoa mới, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, phát triển đội ngũ giáo viên, công tác đổi mới giáo dục thể chất được Sở GD&ĐT khẳng định là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết phải thực hiện ngay trong năm học này.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo chấm dứt việc dạy thêm học thêm

Năm học mới, với yêu cầu quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm, ngành giáo dục và các quận huyện khẳng định thực hiện nghiêm túc chỉ đạo chấm dứt việc dạy thêm học thêm trong nhà trường.

Bà Vũ Thị Mỹ Ngọc, Phó chủ tịch UBND Quận 3, thông tin:"Trước mắt, tất cả các trường, thầy cô giáo trên địa bàn nghiêm túc chấp hành quy định của Sở GD&ĐT. Các thầy cô, nhà quản lý cũng đang mong chờ quy định của Sở GD&ĐT về việc tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, tại các trung tâm. Đó là điều giáo viên rất mong chờ".

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT Quận Bình Tân cho rằng có 2 mặt trong vấn đề dạy thêm học thêm: nếu giáo viên có tâm dạy đầy đủ kiến thức, học sinh một số khối lớp không cần học thêm. Nhưng với những lớp cuối cấp, học thêm xuất phát từ nhu cầu kiến thức của học sinh để có thể vào được những trường mong muốn.

Ngoài ra, việc thiếu trường lớp tổ chức 2 buổi/ngày dẫn đến phụ huynh muốn được gửi con cho giáo viên, hình thành các tổ chức bán trú vệ tinh. Việc giữ trẻ sau giờ học tại nhà giáo viên cũng là hình thức dạy thêm. Ý kiến phòng GD&ĐT quận Bình Tân ghi nhận từ phụ huynh học sinh là mong muốn được tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường vì tính an toàn.

Ông Ngô Văn Tuyên, cho biết thêm:"Chúng ta cần phân biệt việc dạy thêm học thêm rõ ràng hơn. Chúng ta chưa tổ chức được 100% học 2 buổi/ngày thì cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để hướng dẫn các loại hình này. Việc dạy thêm trong hay ngoài nhà trường tất cả đều phải theo nhu cầu của học sinh, có định hướng của phụ huynh, giáo viên không thể bắt ép học sinh đi học".

 

Ông Nguyễn Văn Hiếu. PGĐ Sở GD- ĐT TP

Băn khoăn vấn đề thu nhập của giáo viên

Quan tâm vấn đề dạy thêm học thêm, cử tri  Phạm Thị Tuyết, Quận Tân Bình, băn khoăn trước vấn đề thu nhập của giáo viên. Bà Phạm Thị Tuyết thắc mắc làm thế nào để giáo viên có thể sống được bằng nghề của mình, không phải sống bằng nghề tay trái?

Phó  giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết thực tế có một số giáo viên o ép học sinh học thêm, nhưng phần lớn giáo viên đều vì lợi ích học sinh. Bởi vì, bản chất người thầy giáo là tận tuỵ tận tâm với nghề, và không ai chọn nghề giáo để làm giàu.

Qua khảo sát của phòng kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT, lương bình quân, kể cả các khoản phụ cấp nghề nghiệp, của giáo viên có tuổi nghề 10 năm là khoảng 5 triệu. Với mức lương này sinh hoạt ở thành phố rất khó khăn nếu không làm thêm.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, giải pháp cho vấn đề này là xã hội hoá trường học, giao tự chủ tài chính cho các trường học có điều kiện, giành ngân sách giáo dục cho những nơi khó khăn.

Phó giám đốc Sở phân tích:"Có thể giao tự chủ cho các đơn vị trường học. Học sinh, phụ huynh có thể thoả thuận điều kiện để có chỗ học thật tốt trên mức phí phụ huynh phải đóng đủ để trường hoạt động. Ngân sách để trang trải cho những nơi còn khó khăn, không có điều kiện xã hội hoá. Lúc đó, tổng ngân sách không đổi, nhưng số đơn vị được hưởng ngân sách ít lại, thì mức thu nhập của giáo viên sẽ khá lên".

Giữ trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng

Ngoài ra phục vụ nhu cầu gửi trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng, năm học này, mô hình sẽ triển khai trên cả 24 quận huyện, mỗi quận huyện có 3 đơn vị. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT, số lượng trẻ được nhận chưa đáp ứng đủ nhu cầu do nhiều nguyên nhân.

"Một nhóm trẻ 6-12 tháng chỉ được từ 1 đến 15 trẻ, trong nhóm đó đảm bảo một giáo viên giữ 5 trẻ. Các nhóm này, đa số các cháu phải ẳm bồng, một giáo viên nhiều trẻ quả sẽ không đảm bảo an toàn.

Các phòng học phải đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt đúng nhóm lứa tuổi nên hạn chế số phòng mở. Khi trường nào đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất mới được mở nhóm trẻ 6-18 tháng này" – bà Liên cho biết.

 Bên cạnh đó, mô hình trường mầm non ngoài giờ cho con em công nhân, trường học cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), các trường hợp học sinh khuyết tật, con em gia đình khó khăn... luôn được lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục quan tâm chăm lo trong năm học mới.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội, HĐND TP nhìn nhận:"Tôi cho rằng ngành giáo dục rất chủ động. Với việc tăng dân số cơ học, hàng năm học sinh các bậc học đều tăng cũng là sự căng kéo trong phân bổ ngân sách đầu tư cho ngành giáo dục. Tuy nhiên TP vẫn giành 26% ngân sách hàng năm cho giáo dục, tôi cho rằng đây là sự quan tâm rất đúng mức của lãnh đạo".   

Trước thềm năm học mới, với tâm huyết của lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục, cũng như sự quan tâm của toàn xã hội, tin chắc rằng những khó khăn, trở ngại sẽ dần được tháo gỡ.