Ngày 23/11, tại TPHCM, Trường Đào tạo Quản Lý Doanh nghiệp CBAM (Phòng thương mại & Công nghiệp Việt Nam VCCI) và Tập đoàn giáo dục phi chính phủ, phi lợi nhuận về lĩnh vực giáo dục- đào tạo của cộng hòa Liên Bang Đức SBH ký kết hợp tác đào tạo “nghề kép” tại Đức.
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Hiệu trưởng Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) và bà Birgit Domrose - Thành viên Ban điều hành Tập đoàn SBH ký kết hợp tác.
Bà Đỗ Thị Kim Liên – Hiệu trưởng Trường CBAM cho biết, thực tế đáng báo động ở nước ta hiện nay là “thừa thầy, thiếu thợ”. Chất lượng dạy nghề trong nước dù được nâng cao nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, các kỹ năng mềm như tác phong côngnghiệp, khả năng làm việc theo nhóm.... Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập, giáo viên dạy nghề còn hạn chế về kỹ năng nghề, chương trình dạy ít được cập nhật, bổ sung phù hợp với sự phát triển của nhu cầu xã hội và khoa học công nghệ.
Với những thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có, CBAM sẽ làm tốt nhiệm vụ kết nối giữa học viên Việt Nam với SBH.
Cụ thể phương thức học là nửa thời gian học lý thuyết tại trường và một nửa thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Đối tượng tuyển của CBAM là học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông, được các trường lập danh sách đăng ký. Trên cơ sở đó, CBAM sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và lựa chọn học sinh đạt yêu cầu. Sau đó, học sinh được chọn sẽ được ký hợp đồng đào tạo tiếng Đức, trình độ B2.1 tại Việt Nam.
Học viên sau khi sang Đức sẽ được học một khóa tiếng Đức chuyên sau B2.2, sau đó sẽ được học nghề trong 3 năm với các chuyên ngành nhà hàng- khách sạn …tương lai có thể mở rộng ra các ngành nghề khác như cơ khí, xây dựng, y tế…
Trong thời gian này các học sinh tham gia sẽ được học miễn phí theo hình thức vừa học, vừa làm, đi học 2 ngày và đi làm 3 ngày trong tuần. Trong thời gian học nghề học sinh sẽ được nhận lương ờ mức 550 - 700 EUR/tháng. Sau 3 năm học sẽ có thi tốt nghiệp.
Học viên học nghề sau khi tốt nghiệp tại Đức, được phép lao động hợp pháp và cư trú dài hạn đến độ tuổi về hưu, mức lương và các chế độ đãi ngộ tương đương như đồng nghiệp Đức.
Phát biểu trong buổi ký kết, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI mong mỏi, suốt những năm qua, tổ hợp giáo dục giữa CBAM và SBH với những chương trình đào tạo thiết thực có thể giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
“Tôi rất mong chương trình sẽ ngày càng được mở rộng trong bối cảnh phát triển các cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 để đào tạo nguồn lao động chất lượng trong giai đoạn này”, ông Lộc nói.