Chờ...

Mức tăng học phí của các trường đại học tại TPHCM năm học 2022-2023

(VOH) - Trong đề án tuyển sinh 2022 của nhiều trường đại học, mức học phí dự kiến từ năm học này sẽ tăng mạnh.

Mức học phí tăng do các đại học phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Cụ thể, theo khung quy định, học phí tất cả khối ngành năm 2022-2023 đều tăng so với năm trước, dao động từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, khối Y dược, ngành sức khỏe khác tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm.

Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ (tự chủ đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư), học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần trên, tương ứng với khối ngành và từng năm học. Mức trần học phí từ năm học 2022-2023 với trường chưa tự chủ, theo Nghị định 81/2021.

 tăng học phí
Mức học phí tăng do các đại học phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM), đối với trường Đại học Bách khoa, sinh viên trúng tuyển chương trình đại trà sẽ nộp học phí 25 triệu đồng/năm; các năm tiếp theo tăng lên 27,5-30 triệu đồng. Mức thu này tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM, học phí chương trình đại trà tăng theo lộ trình, ở mức 29-42 triệu đồng từ năm nay đến 2025. Với chương trình tiên tiến, học phí theo lộ trình tương ứng 45-55 triệu đồng/năm; chương trình liên kết 80-138 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mức thu học phí mới năm học 2022-2023 của trường từ 16 - 82 triệu đồng/năm học. Trong đó, chương trình đại trà khoảng 16-24 triệu đồng/năm (tùy ngành) - tăng khoảng gấp đôi; chương trình chất lượng cao 60 triệu đồng/năm; chương trình liên kết quốc tế 2+2, học phí dao động 45-82 triệu đồng/năm.

Học phí nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn từ 16-20 triệu đồng/năm học. Trong đó, mức 16 triệu đồng/năm học gồm 6 ngành: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học. Trong năm học 2022-2023, sinh viên các ngành này sẽ được ĐHQG-HCM hỗ trợ 35% học phí, tức còn 13 triệu đồng/năm học.

Đối với học phí nhóm ngành ngôn ngữ, trong năm học 2022-2023, sinh viên 3 ngành: ngôn ngữ Italia, Tây Ban Nha và Nga sẽ được ĐHQG-HCM hỗ trợ 35% học phí, tức từ 19,2 triệu đồng/năm học còn 15,6 triệu đồng/năm học.

Khoa Y - toàn bộ ngành được đào tạo theo hệ chất lượng cao. Học phí ngành Y khoa năm 2022 là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm. Ngành Dược học có mức học phí năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,55 triệu đồng/năm. Ngành Răng Hàm Mặt đóng 96,8 triệu đồng năm 2022 và 106,48 triệu đồng năm 2023.

Ngoài hệ thống ĐHQG-TPHCM, nhiều trường đại học ở phía Nam cũng công bố mức học phí tăng so với trước.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022 dự kiến 70-72 triệu đồng/năm (tùy ngành) - tăng 2 triệu đồng so với khóa tuyển sinh năm 2021.

Mức học phí năm 2022 của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: chương trình đại học hệ đại trà là 19,5 triệu đồng/năm (các ngành Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật) và 21,5 triệu đồng/năm (các ngành Công nghệ). Chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Việt có học phí 31-32 triệu đồng/năm. Mức thu đối với chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh là 34-35 triệu đồng/năm.

Sinh viên chương trình chất lượng cao Việt Nhật học như chương trình chất lượng cao tiếng Việt, có thêm 50 tín chỉ tiếng Nhật đóng học phí 33 triệu đồng/năm. Như vậy, mức thu này đều cao hơn so với năm học trước.

Trường Đại học Hoa Sen, học phí năm học 2022-2023 đối với 33 ngành và 10 chương trình đào tạo bậc đại học chính quy nằm trong khoảng 80-85 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình song bằng có mức phí trung bình 85,5 triệu đồng/năm; Hoa Sen Elite thu học phí 115-120 triệu đồng/năm.

Các trường Công nghiệp, Sài Gòn, Kinh tế TPHCM, Tôn Đức Thắng, Luật, Công nghiệp Thực phẩm... dự kiến đều tăng học phí so với các năm trước, trung bình 3-10 triệu đồng/năm.

Cả nước hiện có khoảng 240 cơ sở giáo dục đại học. Từ năm 2014, 23 trường bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Từ tháng 7/2019, khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi được áp dụng, các trường dần thực hiện quyền tự chủ đại học. Năm 2021, học phí đại học từng tăng mạnh, nhiều trường có mức tăng gấp đôi.