Năm học 2022 – 2023: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá trong toàn ngành giáo dục

(VOH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai năm học 2022 – 2023, vào sáng 12/8.

Năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục. Qua các ý kiến và tham luận từ các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, năm học vừa qua vẫn là một năm học vượt khó của toàn ngành giáo dục. Giáo dục luôn là lĩnh vực được xã hội quan tâm, đây vừa là may mắn vừa là áp lực đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Chúng ta phải có ứng dụng công nghệ để có một hệ thống nắm thật chắc nguồn lực của ngành về giáo viên và cơ sở vật chất, gắn với thông tin dân số ở từng địa bàn. Toàn ngành và từng địa phương chủ động đảm bảo đủ lớp, đủ trường, đủ giáo viên cho học sinh. Chúng ta phải tiếp tục nắm cơ sở vật chất, làm sao cho cơ sở dữ liệu của Bộ phải có đủ từng địa bàn, từng xã có bao nhiêu trường lớp, phải làm quyết liệt vấn đề này”.

Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai năm học 2022 – 2023.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay mặt cho ngành Giáo dục tiếp thu đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng cho hay sẽ cùng ngành cụ thể hóa những chỉ đạo này thành các chỉ đạo cụ thể để triển khai trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả, khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp tục triển khai thực Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; với mục tiêu đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

“Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết, trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo. Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học yếu tố mang tính quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng, ngành giáo dục lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Bình luận