Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Phần 1)

(VOH) - Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM giới thiệu loạt bài 3 kỳ "Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn".

Phần 1:  Bấp bênh đào tạo nghề lao động nông thôn

TPHCM là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích sản xuất nông nghiệp có khuynh hướng thu hẹp dần. Tuy nhiên, thành phố còn hơn 1 triệu người làm nông nghiệp.

Vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.Trong đó, cần tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại trong đào tạo nghề lao động nông thôn.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các địa phương tích cực thực hiện, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn bộc lộ một số hạn chế. Nông dân vốn cần cù, chăm chỉ, chịu khó học hỏi nâng cao kiến thức nhưng việc học nghề bài bản gặp không ít khó khăn.

Mô hình trồng lan Mocara cắt cành đã được nhân rộng và tđem lại lợi nhuận cao, ở Củ Chi.

Nhiều nông dân không thể sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các lớp đào tạo nghề do bận rộn sản xuất, nhất là các lớp đào tạo nghề dài hạn. Vì vậy, để thu hút, vận động nông dân đi học, nâng cao tay nghề, kiến thức, cần chú ý sắp xếp, tổ chức lớp học phù hợp với điều kiện của bà con, có thời gian học linh hoạt hơn.

Ông Đào Văn Hôn, nông dân nuôi bò sữa ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho hay, dạy cho nông dân thường sắp xếp chương trình là ban ngày, buổi sáng, tổ chức từ 7 giờ đến 11 giờ mà giờ đó lại là cao điểm khai thác sữa bò. Cho nên số người tập huấn là rất ít. Buổi chiều từ 2 giờ tới tầm 5 giờ chiều cũng là giờ cao điểm của nông dân. Cho nên nông dân tham gia không được nhiều.

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa được chú trọng đúng mức nên còn một bộ phận lao động nông thôn chưa tiếp cận chính sách hỗ trợ dạy nghề. Nhiều lớp đào tạo nghề do ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nên nông dân cũng khó tham gia xuyên suốt, đầy đủ cả khóa học. Dù nông dân rất muốn tham gia nhưng một số lớp dạy nghề tổ chức ở địa phương khác nên nhiều bà con không thể theo học.

Vì vậy, bà Huỳnh Ngọc Long Tuyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn có đề xuất, khi mở những lớp như vậy nên tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân tham gia đầy đủ bằng nhiều hình thức như tổ chức ngay tại địa bàn xã, Ban nhân dân ấp hay ở một địa điểm nào để thuận tiện cho bà con tham gia xuyên suốt lớp học đó.

Theo một số bà con, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn thấp. Không ít người được hỗ trợ học nghề nhưng khi kết thúc khóa học không thể ứng dụng được kiến thức đã học, không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên ngành, hoặc do ở địa phương không có nhu cầu tuyển dụng nhất là ở các nghề phi nông nghiệp... Do đó, họ lại phải chuyển đổi qua làm nghề khác.

Ông Nguyễn Tấn Sỹ, ở huyện Củ Chi, cho biết con ông trước đây học nghề điều dưỡng nhưng không thể kiếm được việc làm, buộc phải bỏ nghề vì đã lớn tuổi, giờ về làm nông nghiệp.

Nông dân chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi, TPHCM voh.com.vn

Nông dân chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi, TPHCM (Ảnh: Tuyết Nhung)

Nội dung, giáo trình, kiến thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng cần phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả thiết thực. Như vậy, người lao động mới chủ động, nhiệt tình tham gia học nghề, góp phần khắc phục tình trạng đào tạo nghề mang tính hình thức, chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế.

Đồng thời, cần tránh đào tạo nghề tràn lan mà nên dạy những nghề người lao động thực sự có nhu cầu, gắn với yếu tố thị trường. Do vậy, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc đào tạo nghề, cần chú ý các yếu tố như định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, nhu cầu học nghề của lao động, thị trường lao động, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như chính sách hỗ trợ dạy nghề…

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố đề nghị cần xác định trách nhiệm cụ thể giữa các sở ngành, các địa phương, của Mặt trận, các đoàn thể trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vì thời gian qua sự chỉ đạo và phối hợp chưa hiệu quả giữa các địa phương với các ngành có liên quan. Trong đó trách nhiệm của địa phương là quan trọng.

"Phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề nông thôn. Đảm bảo có tỷ lệ cao các hộ gia đình ở nông thôn được tiếp cận, hiểu biết, được tư vấn trước và sau học nghề. Phải đẩy mạnh các nguồn lực sau học nghề như hỗ trợ vốn, tham quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả”, ông Sơn đề nghị.

Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến công tác tư vấn để đảm bảo người lao động có việc làm sau khi học nghề, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn… Đặc biệt, với định hướng của thành phố là phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên nông dân thành phố cần được đào tạo để trở thành những công nhân kỹ thuật của ngành nông nghiệp, những nhà quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp giỏi.

>>>> Bài 2 : Những tín hiệu lạc quan từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn