Phạm Quốc Hậu - hiện là nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật Hóa học tại Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) - đã đạt thành tích đáng ngưỡng mộ: 21 bài báo khoa học quốc tế; tham gia 04 Hội nghị quốc tế; đạt 07 giải thưởng khoa học trong và nước...
Thành tích đáng ngưỡng mộ của nghiên cứu sinh này phải kể đến những kết quả nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Theo quy định, để hoàn thành chương trình tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải có tối thiểu 2 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận. Nhưng, với Phạm Quốc Hậu, trong quá trình học tập và nghiên cứu tại trường, anh đã có tới 21 bài quốc tế.
Đáng nói, trong đó 16 bài có IF lớn hơn 3, đặc biệt có 1 bài đạt IF 5.721 nghiên cứu về vật liệu mới đang được quan tâm trên thế giới.
Anh cũng đã thu thập được khá nhiều các giải thưởng nghiên cứu khoa học bao gồm: Best Paper Award – International Conference on Sustainable Energy and Green Technology 2019, tại Thailand; Học bổng hỗ trợ đào tạo tiến sĩ trong nước - Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup tài trợ năm 2019 và 2020; Giải Ba - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TPHCM năm 2017-2018; Giải Khuyến khích - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15; Bằng khen hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ giai đoạn 2017 – 2018; 01 trong 10 bạn trẻ Châu Á được Ngân hàng Phát triển Châu Á hỗ trợ tham gia Diễn đàn Năng lượng sạch Châu Á năm 2019 tại Philippines…
Năm 2019, anh nhận được kinh phí 100 triệu đồng từ Chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho học viên cao học và nghiên cứu sinh của trường Đại học Bách khoa.
Hướng nghiên cứu của anh là tổng hợp vật liệu xúc tác nano cho phản ứng oxi hóa/khử trong pin nhiên liệu hoạt động ở nhiệt độ thấp.
Pin nhiên liệu là loại pin không cần sạc sau mỗi lần sử dụng và có thể hoạt động liên tục (miễn là nhiên liệu – hidro/ancol và oxi được đưa vào liên tục) có mức thải ô nhiễm hầu như không đáng kể, thân thiện với môi trường.
Do đó, pin nhiên liệu được xem như một công nghệ tiềm năng tạo ra năng lượng cho tương lai nhằm giảm việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch và các vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay.
Để có thể mở rộng việc ứng dụng của pin nhiên liệu vào cuộc sống hằng ngày, những vấn đề cần phải được nghiên cứu hiện nay của pin nhiên liệu đó là giảm giá thành, cải thiện độ bền và nâng cao hoạt tính của vật liệu xúc tác Pt/C thương mại hiện nay. Từ ý tưởng này, anh đã hướng tới nghiên cứu tổng hợp các vật liệu xúc tác có độ bền và hoạt tính xúc tác cao hơn.
Đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong quá trình học và làm nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Bách khoa, Quốc Hậu cho rằng phải sắp xếp và phân bổ thời gian học tập và làm nghiên cứu khoa học hợp lý.
Trong quá trình học tập và làm nghiên cứu có những vấn đề, những trở ngại, Hậu có thể trao đổi với các giảng viên để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, Hậu tìm kiếm và đọc nhiều các bài báo khoa học trên các nhà xuất bản, tạp chí nổi tiếng trong ngành để cập nhật các kiến thức mới.
Khi có ý tưởng nghiên cứu cần trình bày, Hậu chia sẻ và thảo luận với các thành viên trong nhóm nghiên cứu để tìm kiếm ra phương pháp nghiên cứu thích hợp.
Chọn trường Đại học Bách Khoa để học thạc sĩ và tiến sĩ vì anh cho rằng, đây là một ngôi trường đào tạo các ngành kỹ thuật chất lượng cao, có truyền thống lâu đời. Từ đó, có thể giúp anh tiếp xúc và học tập dưới sự hướng dẫn của các giảng viên có trình độ cao và kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm.
Ngoài ra, nhà trường có các phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại giúp người học thực hiện các phương pháp phân tích chuyên sâu.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Năng lượng Bền vững - Giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học - Trường Đại học Bách khoa là cán bộ hướng dẫn cho Phạm Quốc Hậu đã nhận xét: Trong quá trình nghiên cứu tại trường, Hậu rất năng nổ, có tính độc lập cao và tư duy tốt. Hoàn thành chương trình tiến sĩ sẽ là điểm khởi đầu và những năm nghiên cứu ở trường Đại học Bách khoa sẽ giúp Hậu đào sâu kiến thức, rèn luyện bản lĩnh của nhà khoa học và nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên.