Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhà giáo bỏ tiền túi xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ Nano

(VOH) - Nhà giáo ưu tú – Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Minh Thì, Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM mới đây tự bỏ tiền túi xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ nano.

35 năm làm công tác quản lý giáo dục, Nhà giáo ưu tú – Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Minh Thì, Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP vẫn luôn theo đuổi ước mơ được nghiên cứu khoa học, tìm tòi những công trình vượt thời đại để cống hiến cho nhân loại.

Ước mơ ấy đã được toại nguyện khi ông quyết định tự bỏ tiền túi xây dựng Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano, còn gọi là CM Thi Lab, đặt tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM với tổng vốn ban đầu gần 4 tỷ đồng.

Những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ nano của ông đã được ghi dấu ấn với 40 công bố quốc tế ISI, 10 công bố khoa học trong nước. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất là Hội viên Hội hóa học Hoa Kỳ, và hiện là Chủ tịch Hội Vật lý TPHCM.

Ở tuổi 80, nhà khoa học Cao Minh Thì vẫn trọn vẹn đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn truyền niềm đam mê nghiên cứu đến thế hệ các nhà khoa học trẻ, nội dung này được chuyển tải qua phỏng vấn với Phóng viên Thùy Linh.

Nhà giáo ưu tú – Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Minh Thì, Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

* VOH: Thưa PGS.TS Cao Minh Thì, lý do gì khiến ông tự bỏ tiền túi để xây phòng thí nghiệm về lĩnh vực công nghệ nano?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Trong quá trình chuẩn bị để làm phòng thí nghiệm, tôi về làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khoa Vật liệu. Tôi xem xét nghiên cứu nhân tình, nhân lực, xem người tài ở đó như thế nào. Cuối cùng tôi quyết định dùng tiền của mình để xây dựng phòng thí nghiệm mà không xin cơ quan hỗ trợ nào.

Cách đây 5 năm, khoảng năm 2012, tôi xây phòng thí nghiệm này, tôi chọn 2 người giỏi của Khoa Vật liệu vừa bảo vệ luận án thạc sĩ xong và mời về làm cùng, đồng thời chuẩn bị làm luận án tiến sĩ. Chúng tôi phải đi mua từng cái máy, để có thể hoàn chỉnh cho tới bây giờ. Phòng thí nghiệm này có thể nghiên cứu được tất cả những loại làm ra hạt nano của kim loại.

* VOH: Thưa ông, những nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ nano mà phòng thí nghiệm đang tiến hành có ý nghĩa như thế nào trong thực tiễn?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Là nhà khoa học trong lĩnh vực này, tôi cho rằng trong thời gian tới khoảng 10 – 20 năm nữa, kỹ thuật nano sẽ chiếm lĩnh toàn bộ các lĩnh vực đời sống. Bởi vì nano có thể làm ra được các thứ thuốc để trị bệnh cho con người, đồng thời nó cũng tạo ra những vật chất mới để xây dựng.

Ví dụ, Nano Carbon có thể xây dựng cơ sở vững chắc phía dưới, từ đó ta xây dựng những tòa nhà mọc ra xung quanh giống như hình hoa sen, những cái như vậy cũng phải từ công nghệ nano mà ra. Hay trong các loại nước sơn bình thường, nếu pha nano vào nó cũng có tính chất khác.

SV Hutech thực hành tại CM Thi Lab

*VOH: Ông có đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ nano ở VN hiện nay ra sao?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Nói thật, số anh em nghiên cứu về lĩnh vực này cũng có rất nhiều phòng nghiên cứu, nhưng người ta không chú ý đến nhân lực ngành này. Đào tạo xong, họ lại đi làm việc khác.

Còn tôi, tôi nuôi dưỡng nguồn nhân lực này, nghĩa là đối với anh em có năng lực, tay nghề về lĩnh vực sản xuất nano, tôi giữ từng người một. Trên cơ sở đó, tôi bồi dưỡng để họ trở thành nhân tài trong lĩnh vực này.

* VOH:  Nhìn lại chặng đường cống hiến cho nghiên cứu khoa học, ông tâm đắc điều gì?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Khi học tiến sĩ tại trường Lomonoxop (Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow Lomonoxop) cách đây 47 năm, tôi hy vọng rằng sau khi về VN sẽ làm được những việc có ích lợi cho dân cho nước nhiều hơn. Nhưng khi về, tôi được giao trách nhiệm làm công tác đào tạo con người.

Tôi tự an ủi mình rằng có lẽ con người là hợp kim quý hơn bất kỳ thứ kim loại nào khác, vậy nên tôi cố gắng làm trong 35 năm. Đến năm 2010, tôi nghĩ mình không nên tham gia công tác quản lý nữa, xin dừng lại để giao cho người khác và trở lại nghiên cứu khoa học, tôi chọn lĩnh vực nano để nghiên cứu.

* VOH: Đến nay, đã có những công trình nghiên cứu khoa học nào mang dấu ấn Cao Minh Thì?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Hiện tôi có 40 bài báo quốc tế đăng Tạp chí ISI – công trình quốc tế. Trong các bài báo đó, tôi chủ trương rằng có thể làm ra được tất cả các hợp kim này, làm ra được nano của tất cả kim loại. Cho tới thời điểm này, tôi tuyên bố phòng thí nghiệm của mình có thể làm ra được tất cả trong lĩnh vực đó.

* VOH: Thưa ông, ông có điều gì nhắn nhủ với các nhà khoa học trẻ?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Những bạn trẻ đang nghiên cứu về nano hay chưa nghiên cứu về nano, tôi đề nghị các bạn nên làm tốt công việc của mình là nghiên cứu nano và những ứng dụng của nó trong thực tế. Bạn nào có khả năng thì đi sâu nghiên cứu nano, và từ nano trở thành những nhân tài đóng góp cho đất nước, cho sự phát triển của nhân loại trong 10 hay 20 năm nữa.

* VOH: Đối với công tác nghiên cứu khoa học nói chung, ông có muốn truyền cảm hứng, đam mê nghiên cứu khoa học đến sinh viên, giảng viên trẻ, thưa ông?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Quá trình nghiên cứu khoa học là quá trình dài. Em nào chưa có ước mơ lớn thì không thể nào làm công tác nghiên cứu khoa học. Cho nên từ bây giờ, các em phải có ước mơ, dù trong lĩnh vực của mình còn mờ mịt, chưa có những ước mơ nào thật sâu sắc. Tôi nói thật, đến từng tuổi này rồi, tôi vẫn có ước mơ là có được những công trình vượt thời đại để cống hiến cho nhân loại.

* VOH: Ông có nghĩ đến lúc nào đó mình không còn làm nghiên cứu khoa học nữa?

- PGS.TS Cao Minh Thì: Theo tôi, làm khoa học là làm suốt đời.

* VOH: Xin cám ơn ông!

Bình luận