Nhà trường cần phát huy tốt vai trò ngăn chặn bạo lực học đường

(VOH) - Chính phủ và ngành giáo dục có những văn bản chỉ đạo phòng chống bạo lực học đường nhưng quá trình triển khai thực tế tại các trường vẫn chưa thực sự hiệu quả. 

Các trường cần tăng cường công tác phòng chống bạo lực học đường như thế nào, các phong trào "mỗi ngày đến trường là một niềm vui", " trường học thân thiện, học sinh tích cực" giúp ích gì cho việc giảm thiểu hiện trạng bạo lực trong nhà trường? Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM trao đổi cùng VOH:

VOH: Thưa bà, thông tin về các vụ học sinh đánh bạn gây nên những bức xúc, phẫn nộ từ dư luận xã hội. Dù vấn đề không mới nhưng dường như vấn nạn này vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Bà đánh giá tình hình bạo lực học đường hiện nay như thế nào?

Tôi nghĩ, không chỉ trong thời gian gần đây mà trước đây cũng đã có. Tuy nhiên với thời đại 4.0 khi thông tin luôn lan truyền, thì việc một hoặc nhiều hiện tượng lập tức thu hút được sự chú ý của dư luận. Theo đánh giá của tôi, bạo lực học đường phổ biến ở khắp nơi chứ không chỉ ở Việt nam, ngay cả những quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, đặc biệt ở lứa tuổi tâm sinh lý thích thể hiện mình. Những tiếp cận trên mạng hoặc học theo những hiện tượng trên mạng xã hội, những người nổi bật, soái ca... Ngoài ra, khi học sinh chưa được hướng dẫn những kỹ năng như kỹ năng sống, kỹ năng tôn trọng sự khác biệt, kiềm chế thì những cơn nóng giận,  tình trạng không được giải toả cứ chất chứa. Hoặc khi các em đang ở lứa tuổi theo nhóm, theo hội và sinh ra những mâu thuẫn cá nhân, nhóm thì bạo lực sẽ có thể diễn ra.

Tuy nhiên, bạo lực học đường không là hiện tượng mới nhưng là cái đáng báo động vì mức độ mạnh mẽ. Không chỉ dẫn đến bạo lực mà còn  dẫn đến làm nhục người khác, gây những bức xúc thậm chí tự tử. Hệ quả để lại cho các em là vấn đề cần chú ý.        

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM

VOH: Nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường này do đâu?

Nguyên nhân đến từ nhiều phía. Thứ nhất, là chính các em với tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn.

Thứ hai, có vẻ trong ngành giáo dục, đặc biệt về phía giáo viên, nhà trường, quan điểm là việc trẻ con, quan điểm không có thời gian đi sâu đi sát, cũng như chưa nhận ra các dấu hiệu quan trọng... cũng là nguyên nhân. Điều này thể hiện trong việc nhà trường thường tập trung giáo dục văn hoá, môn học hơn là tập trung giáo dục kỹ năng sống, có những hoạt động lành mạnh nhằm giúp học sinh thể hiện cá nhân không qua việc đánh nhau.

Ngoài ra, nguyên nhân còn ở gia đình. Ở tuổi học sinh, vai trò của nhà trường phải kết hợp với vai trò gia đình. Chúng ta chưa làm cho học sinh hiểu và tin tưởng ở người lớn để có tâm sự, tìm đến sự giúp đỡ. Cho nên, các hiện tượng vừa qua như các bạn bị đánh hội đồng, thì các em học sinh ấy không chia sẻ, trao đổi với gia đình, thầy cô, mà nó chỉ được báo chí hoặc dư luận chú ý khi các clip được đưa lên mạng. Rõ ràng, một số em đang bị đơn độc.

Bạo lực học đường chỉ có thể diễn ra khi mọi người thờ ơ với nó. Nếu như một bạn học bị đánh hội đồng hay vấn đề nào đó mà những người xung quanh là bạn bè, giáo viên của các em, những người có thể thấy tình trạng đó, mà lại thờ ơ thì rõ ràng cái xấu luôn có đất tồn tại. Điều quan trọng ở đây là chúng ta đang không phân biệt được ranh giới giữa trò chơi của các em với việc làm nhục người khác, gây những thương tích và hệ luỵ về cả thể xác và tinh thần.

Một điều nữa là ở văn hoá Á Đông vốn có chuyện đóng cửa dạy nhau. Có những chuyện chúng ta cho là chuyện nhỏ, chuyện trẻ con thậm chí che giấu đi để bảo vệ danh tiếng của nhà trường.          

VOH: Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, đã có nhiều văn bản, quyết định của chính phủ và ngành giáo dục, nhưng dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả. Những khó khăn khi triển khai phòng chống tình trạng bạo lực trong trường học là gì?

Nhà nước luôn có những văn bản thể hiện ở góc độ về pháp luật và những hướng dẫn thực thi. Tuy nhiên, bất cứ luật nào hoặc văn bản nào muốn thực thi thì vai trò nơi thực thi rất quan trọng. Đặc biệt, càng ngày chúng ta càng thấy vai trò của những chương trình học mới như trường học thân thiện, mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Để những điều này trở nên thực tế, chính nhà trường, lớp học, giáo viên phải tạo ra môi trường thân thiện bằng cách giúp các em có nhiều trải nghiệm làm việc với nhau, chơi với nhau, thậm chí biết giải quyết những vấn đề giữa cá nhân, giữa nhóm hay những vấn đề chắc chăn lứa tuổi đó phải có.

Cho nên, khi các em chưa nhận thức được các việc như phải cho nó biết tay, các em không biết điều đó vô tình thể hiện sự độc ác của mình đối với bạn bè, đồng loại. Cho nên, cần giúp cho học sinh nhận thức được những hành vi của mình. Ở các nước giáo dục phát triển người ta giúp cho học sinh biết quý từng động vật nhỏ, giúp các em nâng niu từng cây xanh cho tới giúp cho các em biết tôn trọng con người. Đây là việc làm cần thiết. Chúng ta, đôi khi có những hành vi người lớn vô tình dẫn đến sự vô tình ở trẻ con. Chúng ta không tạo ra được cái môi trường thân thiện, môi trường giúp học sinh hiểu rằng con người, các em có quyền trẻ em của em, thì người khác cũng có quyền đó, cần tôn trọng. Cho nên sâu xa nhất là vấn đề ý thức, tất nhiên không phải qua giáo điều.    

VOH: Theo bà, chúng ta cần có những giải pháp, chính sách như thế nào để hạn chế tình trạng bạo lực học đường?

Về chính sách thì đã có, từ cấp độ quốc gia, nhưng khi chuyển xuống thực tế thì còn tuỳ theo trường. Chúng ta không thể đối phó với bạo lực bằng bạo lực, không thể vì bạn đó gây bạo lực cho người khác thì chúng ta dùng kỷ luật (ở cách nào đó kỷ luật này mang lại bạo lực) cho học sinh đã thực hiện bạo lực. Tôi vẫn nghĩ rằng, đối với nhà trường việc tìm hiểu nguyên nhân xảy ra để đưa ra những chính sách phù hợp là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, chính sách, biện pháp gì cũng không ngoài việc làm cho giáo viên hiểu được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng để giúp học sinh tránh được những trường hợp bạo lực. Giáo viên tinh ý sẽ có thể dễ dàng nhận ra. Tôi đánh giá cao vai trò giáo viên. Tôi biết rằng có những gia đình có vấn đề, nhưng các em vẫn có thể học tốt, có nhân cách tốt vì các em có những giáo viên tốt. Cho nên, cần có những chính sách làm cho giáo viên có trách nhiệm hơn, yêu thích hơn công việc của mình. Sâu xa hơn nữa là những biện pháp nối chặt hơn mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình. Cần có những buổi làm việc với phụ huynh, không phải để trách móc gia đình bỏ bê các em, mà để trao đổi thẳng thắn, giúp phụ huynh hiểu con mình hơn, ở nhà cần làm gì, trong trường cần tác động như thế nào. Điều đó, đòi hỏi nhà trường phải có sự chủ động, cởi mở, thậm chí có thể yêu cầu địa phương can thiệp nếu trong gia đình đó có vấn đề bạo lực.

Chúng ta không thể giải quyết một vấn đề nhỏ lẻ trong một xã hội chung. Cho nên, tôi rất tâm đắc với quan điểm "Nếu anh xây dựng nhà trường ít, đầu tư ít cho giáo dục thì hậu quả là anh phải xây dựng thêm nhiều nhà tù".    

VOH: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Bình luận