Chờ...

Nhà xuất bản Giáo dục bù lỗ để in sách giáo khoa

(VOH) - Chiều ngày 5/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM.

Tiếp tục kế hoạch khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017, chiều ngày 5/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM.

Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tổ chức in và phát hành sách giáo khoa đến 17 tỉnh, thành phía Nam. Trong 5 năm qua, nhà xuất bản này đã in trên 224 triệu bản sách, phát hành trên 210 triệu bản sách, trung bình phát hành khoảng 42 triệu bản/năm học.

nhà-xuất-bản-giáo-dục

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM.

Hiện nay chỉ có một bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn được dùng thống nhất trong cả nước. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đảm nhiệm công tác biên tập, xuất bản, in và phát hành.

Ngoài ra, ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM cho biết việc in sách giáo khoa có sự tham gia của nhiều nhà in trên trên toàn quốc, trong đó chỉ có một số nhà in thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Công tác in sách giáo khoa được tổ chức theo 2 hình thức là in đấu thầu và in gia công. Mức chiết khấu sách giáo khoa dao động từ 14 đến 25%.

Giá bán lẻ sách giáo khoa đã giữ nguyên từ năm học 2011-2012 mặc dù giá nguyên vật liệu, chi phí công in, vận chuyển…đã tăng theo giá thị trường. Vì vậy, hàng năm Nhà xuất bản phải bù lỗ trong quá trình phát hành sách giáo khoa để đáp ứng nhiệm vụ chính trị.

Đáng lo ngại là nạn in lậu hiện nay có xu thế gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, tổ chức quy mô. Sách in lậu được in ấn như sách thật, tuy nhiên kiểm tra có thể thiếu nhiều nội dung do in lại sách cũ của năm trước không có các nội dung chỉnh sửa bổ sung, có nhiều lỗi, sai sót về kiến thức và thường sử dụng tem giả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giáo dục.