Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức tôn giáo như: Phật giáo, Cơ đốc, Tin lành, Cao đài, Baha’i… tại TPHCM vào sáng 26/10.
Quang cảnh hội nghị.
Trong thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường, thêm vào đó là những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, vận động người tham gia bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết.
Nhấn mạnh những chỉ tiêu trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường mà thành phố đã đề ra, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM cho biết: "Thành phố đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2018, 100% hộ gia đình có hiểu biết và kiến thức ứng phó, sống chung với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trên 80% người dân ở vùng dễ bị tổn thương bởi BĐKH có hiểu biết cơ bản về BĐKH, giảm nhẹ thiên tai phòng chống lụt bão. 100% người dân thành phố được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường (BVMT). 100% học sinh phổ thông được giáo dục kiến thức về kỹ năng về BVMT. 80% người dân thành phố phải có sự thay đổi về hành vi, thích ứng với BDKH".
Từ những chỉ tiêu này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP dự thảo kế hoạch tuyên truyền vận động người dân tham gia BVMT trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường khu dân cư, gia đình, trường học, nơi công cộng; thực hiện tiết giảm, tái chế, tái sử dụng và phân loại rác tại nguồn; kiểm soát ô nhiễm do sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh và ứng phó với BĐKH.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, bên cạnh việc kiện toàn nguồn nhân lực của ngành tài nguyên, môi trường còn có sự tham gia đóng góp lớn từ cộng đồng các tổ chức tôn giáo. Nhiều mô hình hay, phần việc ý nghĩa đã được triển khai thực hiện mang đến những hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Trọng Phúc – Phó chủ tịch UBMTTQ quận 5 chia sẻ kinh nghiệm: "Mặt trận đã phát động 10 nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Tùy theo từng đơn vị, tham khảo nội dung phù hợp và ký cam kết thực hiện".
Từ sự phối hợp với các tổ chức tôn giáo, quận 5 đã tổ chức nhiều nội dung: tuyên truyền kiến thức BVMT, vận động các cơ sở tôn giáo nói không với thuốc lá, giữ gìn vệ sinh môi trường cơ sở tôn giáo, vận động các đồng bào có đạo phân loại rác tại nguồn… Đã có nhiều mô hình hay được tổ chức như tổ vệ sinh vì môi trường, săn ảnh đen, 1 biết 2, mỗi ngày 15 phút…
Thượng tọa Thích Duy Trấn - Trụ trì chùa Liên Hoa (Q.11) phát biểu.
Từ sự vận động của UBMTTQ các quận huyện, nhiều cơ sở tôn giáo đã đưa ra nhiều sáng kiến, ý tưởng BVMT mới lạ. Điển hình như Chùa Liên Hoa, quận 11 với sáng kiến vận động phật tử hạn chế đốt nhang, không đốt vàng mã, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, để quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện xã hội.
Với việc làm này, chùa đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao Động Hạng 3. Đến tháng 7/2016, chùa lại tiếp tục thực hiện chương trình Chủ nhật xanh, vận động tăng chúng, Phật Tử xuống đường quét rác, vệ sinh cống rãnh.
Thượng tọa Thích Duy Trấn, Trụ trì chùa Liên Hoa chia sẻ: "Ban đầu chỉ có 3 vị tăng chúng và 2 Phật tử tham gia. Đến nay đã có từ 40 - 60 người đều đặn tham gia hàng tuần. Sau 1 năm thực hiện, số rác ước thu gom được khoảng 230 kg, rác khô khoảng 150 kg, miểng chai thủy tinh, lon hộp khoảng 50 kg. Bên cạnh đó, ý thức người dân cũng tăng lên nhiều…".
Hội nghị đã lắng nghe 5 tham thuận cùng nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của đại diện các cơ sở tôn giáo. Bên cạnh nhiều mặt tích cực còn những hạn chế khi ý thức của người dân nhiều nơi chưa cao, nhiều tổ chức tôn giáo còn chưa chủ động đề xuất mô hình. Đây chính là những cơ sở thực tiễn để góp phần cho kế hoạch hành động BVMT và ứng phó BĐKH của thành phố.
Đánh giá cao những mô hình, ý tưởng này, ông Đỗ Trung Tín - Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM đề xuất: "Năm 2018, MTTQ TP sẽ có những kế hoạch cụ thể, hướng dẫn mặt trận các quận huyện chủ trì phối hợp với các tổ chức tôn giáo xây dựng mô hình điểm, vận động kinh phí thực hiện. Trung ương MTTQ sẽ xuất bản sách Xanh với nội dung phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong BVMT, ứng phó BĐKH.
Sở TNMT sẽ triển khai chi tiết các hoạt động, có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động phù hợp cho cơ sở mình".
Ông Tín cũng nhấn mạnh, các tổ chức tôn giáo cần mạnh dạn đưa ra những đề xuất kiến nghị, phối hợp thực hiện các biện pháp BVMT, khuyến khích người dân không thực hiện những hoạt động gây suy thoái môi trường, thay đổi hành vi hướng đến lối sống xanh, thân thiện với môi trường, tố giác các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở địa bàn dân cư.