Nhiều phụ huynh giàu có bỏ quốc tịch Hàn Quốc để cho con vào trường quốc tế

HÀN QUỐC - Vanuatu - quần đảo gồm 83 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, là thiên đường cho người yêu thiên nhiên. Nhưng ở Hàn Quốc, quốc đảo này đang thu hút sự chú ý vì một lý do khác: mua quốc tịch.

Bae (30 tuổi), một bà nội trợ sống tại Seocho-gu, phía nam Seoul, đang nghĩ đến việc xin quốc tịch Vanuatu vì cậu con trai 4 tuổi của mình.

“Con trai tôi hiện đang theo học tại một trường mẫu giáo tiếng Anh. Tôi hy vọng cháu có thể đăng ký vào các trường quốc tế (ở Hàn Quốc), thay vì các trường địa phương”, cô nói với tờ The Korea Herald.

Cô Bae cho biết thêm, nếu cô trở thành công dân Vanuatu, con trai cô sẽ đủ điều kiện để được nhận vào các trường quốc tế - nơi có môi trường học tập đa văn hóa và chương trình giảng dạy tiếng Anh.

xin-quoc-tich-251124
Ảnh minh họa: 123rf

Theo các trường quốc tế được Bộ Giáo dục Hàn Quốc công nhận, trẻ em có quốc tịch Hàn Quốc, như con trai của Bae, chỉ có thể được nhận vào học nếu một trong hai bố mẹ có quốc tịch nước ngoài hoặc nếu đứa trẻ đã sống ở nước ngoài ít nhất 3 năm.

Hiện nay, các cơ quan di trú tư nhân ở nước ngoài hỗ trợ các bậc phụ huynh muốn ghi danh cho con mình vào những trường như vậy bằng cách đáp ứng phần đầu tiên của yêu cầu – một trong hai phụ huynh có quốc tịch nước ngoài.

Các chương trình "Nhập quốc tịch theo diện đầu tư" do một số quốc gia Caribe và Thái Bình Dương tổ chức đóng vai trò là con đường quan trọng đối với những người giàu có ở Hàn Quốc.

Ví dụ, để cấp quyền công dân, Vanuatu thường yêu cầu phải đầu tư vào quốc gia này - hoặc chỉ cần quyên góp tiền mặt - 130.000 đô la cho một đương đơn, 150.000 đô la cho một cặp vợ chồng hoặc 180.000 đô la cho một gia đình 4 người, theo ông Cho, giám đốc của một công ty tư vấn nhập cư như vậy tại Seoul.

“Vanuatu là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất (để có được quyền công dân thông qua đầu tư). Quá trình nộp đơn mất từ 3 đến 6 tháng và không yêu cầu thời gian cư trú bắt buộc”, ông cho biết.

Khi phóng viên tờ Korea Herald đóng giả làm khách hàng và tham khảo ý kiến ​​của vị giám đốc về chương trình cấp quốc tịch của Vanuatu, vị giám đốc này đã khuyến nghị phóng viên nên nộp đơn càng sớm càng tốt trước khi các quy định mới về cấp hộ chiếu có hiệu lực vào tháng 12 tới.

Ông giải thích rằng, những người có đơn xin nhập tịch được Cục Di trú Vanuatu chấp thuận sau ngày 30/11 phải đến đại sứ quán Vanuatu để lấy dấu vân tay và khuôn mặt để đăng ký hộ chiếu Vanuatu. Vì không có đại sứ quán Vanuatu tại Hàn Quốc nên người nộp đơn sẽ cần đến đại sứ quán tại Malaysia, Dubai hoặc Hồng Kông.

“Hiện tại, người nộp đơn có thể nhận hộ chiếu qua đường bưu điện”, ông nói thêm. Công ty của ông tính phí 1.500 đô la cho mỗi người để thực hiện quy trình nộp đơn.

Giáo dục quan trọng hơn quốc tịch

Nếu Bae, người mẹ đang cân nhắc trường quốc tế cho con trai mình, có được quốc tịch Vanuatu, cô sẽ tự động mất quốc tịch Hàn Quốc. Cô cũng sẽ gia nhập một nhóm nhỏ nhưng ngày càng đông đảo công dân Vanuatu đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Dữ liệu từ Bộ Tư pháp cho thấy, số người từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc để nhập quốc tịch Vanuatu trong giai đoạn 2019-2022 là 18. Mặc dù không có dữ liệu nào cho giai đoạn sau năm 2022, nhưng nếu các cơ quan như của Cho thực hiện thủ tục thành công, con số này có thể sẽ tăng lên.

Theo Điều 15 của Đạo luật Quốc tịch, người Hàn Quốc sẽ tự động mất quốc tịch kể từ thời điểm họ có quốc tịch nước ngoài.

Một bà nội trợ 33 tuổi tên Chang, có cậu con trai 10 tuổi đang theo học tại Trường Ngoại ngữ Busan ở Haeundae-gu (Busan) chia sẻ rằng, tại trường của con trai cô, "nhiều" phụ huynh đã chọn sinh con ở nước ngoài hoặc nhập quốc tịch các nước Thái Bình Dương vì tương lai của con cái họ.

Tính đến năm 2023, tổng cộng có 49 trường quốc tế được công nhận đang hoạt động tại nước này, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Giáo dục Hàn Quốc.

Học phí hàng năm cho các trường quốc tế tại Hàn Quốc dao động từ 30 đến 40 triệu won (545 – 725 triệu đồng), một số tiền tương đương với mức lương hàng năm của một nhân viên văn phòng trung bình.

"Với con em của các giám đốc điều hành và nhà ngoại giao nước ngoài, theo học các trường học này là bàn đạp để vào các trường ưu tú ở nước ngoài. Một số người có thể chỉ trích cha mẹ mua quốc tịch vì quá ám ảnh với việc học của con cái, nhưng đó là lựa chọn của họ. Miễn là không vi phạm pháp luật, thì nên tôn trọng", theo cô Chang.

Đối với Bae, người đang cân nhắc nhập quốc tịch Vanuatu để đảm bảo cho con trai mình một suất học đáng mơ ước tại một trường quốc tế, thì khoản chi phí tối thiểu 130.000 đô la có vẻ "đáng giá", đặc biệt là khi xét đến số tiền mà các bậc phụ huynh Hàn Quốc đã chi để cho con mình vào ‘con đường ưu tú’.

Theo báo cáo năm 2020 có tên "Tình hình chi phí giáo dục hiện tại tại Hàn Quốc" của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, tại Hàn Quốc, tổng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ khi mới sinh đến khi vào đại học - cho đến khi 22 tuổi - trung bình là 275 triệu won (khoảng 5 tỷ đồng).

Có những trường quốc tế cung cấp chương trình giảng dạy tiếng Anh được công nhận như các khóa học Tú tài quốc tế hoặc Nâng cao, không yêu cầu quốc tịch nước ngoài hoặc đã từng sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong số 52 tổ chức như vậy, chỉ có 14 trường được các cơ quan giáo dục của Hàn Quốc công nhận, cho phép học sinh lấy bằng chính thức.

Tại các trường không được công nhận còn lại, học sinh phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp tương đương trường thường để xác nhận trình độ học vấn của mình và đủ điều kiện học lên cao hơn sau đó.

Tuy nhiên, các trường "dành riêng cho người nước ngoài" lại được các bậc phụ huynh đánh giá cao và thậm chí còn tìm cách mua quốc tịch nước ngoài để cho con em mình theo học.

Cô Chang cho biết: "Những gì họ muốn đạt được khi đổi lấy quyền công dân nước ngoài là môi trường học tập đa văn hóa cũng như cơ hội giao lưu với các bậc phụ huynh nước ngoài có xuất thân danh giá".

Bình luận