Chờ...

Nhiều thách thức trong triển khai chương trình phổ thông mới

(VOH) - Với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày tại một địa phương có áp lực dân số như TPHCM lại là một thử thách.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học, do Sở Giáo dục và Đào tạo thay mặt UBND TP, tổ chức sáng 29/11, các đại hiểu đã chỉ ra nhiều thách thức trong quá trình triển khai.

Chương trình giáo dục phổng thông 2018 chính thức triển khai vào năm học tới 2020-2021 ở khối lớp 1, đang được xã hội mong đợi. Tuy nhiên, với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày tại một địa phương có áp lực dân số như TPHCM lại là một thử thách.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, chương trình tiểu học mới có từ 29 đến 32 tiết/tuần. Nếu chỉ học 1 buổi/ngày sẽ không thể đảm bảo tất cả nội dung kiến thức cho học sinh, sẽ là thiệt thòi cho các em. "Nếu học 2 buổi/ngày học sinh sẽ được học 7 tiết/ngày, sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Một tuần 5 ngày có tất cả 35 tiết. Hiện, chỉ có 73% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ còn lại là thách thức không nhỏ, nhất là ở những quận huyện đang bị áp lực về gia tăng dân số", ông Vinh cho biết. 

Mặc dù, thành phố đã đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, tuy nhiên tỷ lệ không đồng đều. Nếu tại một số quận như quận 5, quận 10, quận 9... đạt trên 300 phòng học/10.000 dân, thì các quận huyện vùng ven, có nơi chỉ 220 phòng học/10.000 dân, kéo theo tỷ lệ học 2 buổi/ngày rất thấp. Đơn cử tại Quận 12, hiện có 231 phòng học/10.000 dân, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chỉ hơn 20%. Năm học tới, dự kiến có 10.800 học sinh vào lớp 1, để đảm bảo yêu cầu 35 học sinh/lớp và học 2 buổi/ngày cho số học sinh này, quận cần 311 phòng học. Tuy nhiên, quận hiện chỉ có 122 phòng, cần bổ sung 189 phòng.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 cho biết, có 2 phương án. Một là, phường nào đủ số phòng học sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng cao thêm số học sinh trên lớp từ 45-50 nhưng được học 2 buổi/ngày. Hai là, ở nơi không tổ chức được 2 buổi/ngày không đủ phòng, sẽ tổ chức học 6 buổi/tuần. Những em này sẽ thiệt thòi do thiếu một số môn, do chỉ đảm bảo yêu cầu tối thiểu.

chương trình phổ thông mới

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 phát biểu tại hội nghị. 

Ngoài ra, Quận 12 và nhiều quận huyện khác cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và giáo viên Tin học. Trong khi 2 môn học này sẽ trở thành môn học chính thức trong chương trình mới. Đợt tuyển dụng vừa rồi Quận 12 chỉ tuyển được 3/11 nhu cầu giáo viên tiếng Anh, nhưng 1 giáo viên đã không nhận nhiệm sở. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại quận trung tâm thành phố. "Thực tế qua nhiều đợt tuyển dụng tại quận 1, không chỉ thiếu đối với các ứng cử viên môn Anh văn, mà một số môn học khác như Tin học, Mỹ thuật, Thể dục... cũng rất khó khăn do không có ứng cử viên. Nếu địa bàn Quận 1 đã khó khăn thì chắc chắn giáo viên tiếng Anh ở các quận huyện khác cũng hết sức khó khăn. Chúng ta phải kiến nghị có một cơ chế riêng, chế độ riêng cho số giáo viên này để đảm bảo số giáo viên cho các trường", bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, thông tin.

chương trình phổ thông mới

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 phát biểu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, cho rằng chương trình phổ thông 2018 với các môn học và hoạt động giáo dục là cơ hội để phát triển toàn diện học sinh. Vì vậy, các quận huyện cần quan tâm bố trí phòng học nhằm đáp ứng yêu cầu 2 buổi/ngày trước tiên cho khối lớp 1 và mở rộng dần lên các khối lớp theo lộ trình. Cụ thể, các quận huyện phải nắm được số học sinh lớp 1,và có kế hoạch bố trí giáo viên khối lớp này trong năm học tới, trong đó tính toán cả hệ số dự phòng 20%.

"Ngay từ lúc này Phòng Giáo dục phải chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch giảng dạy các bộ môn, kế hoạch chọn lựa các môn học trong nhà trường. Chúng ta có một số môn học tự chọn thì chọn như thế nào phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ.... Tính toán việc triển khai thực hiện thật chi tiết. Trong tháng 3-4, đề nghị phòng giáo dục các quận huyện chọn một trường điển hình xây dựng kế hoạch giáo dục để cùng góp ý rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho kế hoạch thực tế của năm học 2021", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định việc lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 1 năm học 2020-2021 vẫn thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó, các cơ sở giáo dục sẽ quyết định lựa chọn sách giáo khoa. Hiện tại, Luật Giáo dục 2019 chưa có hiệu lực, nếu giao việc chọn lựa sách giáo khoa cho UBND tỉnh, thành phố là chưa đúng luật.