Những sự cố nào có thể gọi 114 nhờ hỗ trợ?

(VOH) - Không chỉ khi có cháy bạn mới gọi số điện thoại khẩn 114 mà nhiều sự cố khác bạn cũng có thể gọi cho số điện thoại này để được hỗ trợ.

Việc báo cho cơ quan chức năng để yêu cầu giúp đỡ không chỉ giúp đảm bảo an toàn mà còn giúp thống kê nguyên nhân, đưa ra biện pháp phòng ngừa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân luôn nghĩ rằng số điện thoại 114 chỉ để giải quyết các vụ việc liên quan đến cháy nổ và với một số trường hợp khẩn cấp khác họ không biết gọi đơn vị nào để được hỗ trợ. Vậy trong những trường hợp nào thì có thể gọi tới số 114 yêu cầu được giúp đỡ?

1. Hỏa hoạn

Số 114 từ trước đến nay là số điện thoại quen thuộc để người dân điện thoại khi có sự cố cháy nổ.

Tuy nhiên, gọi điện thoại cho số 114 cũng cần “có tâm”. Chẳng hạn, bạn báo cháy theo số 114 và khi cảnh sát PCCC chưa tới, lửa đã được dập thì cần “gọi lại” số 114 một lần nữa để báo cáo tình hình.

Việc báo lại hiện trạng cháy sẽ giúp lực lượng chức năng điều tiết được lượng xe đến hiện trường, chẳng hạn có 4 xe cứu hỏa được điều động đi thì sẽ điều 3 xe về lại sở và chỉ 1 xe tới hiện trường kiểm tra tình trạng hỏa hoạn.

114, điện thoại khẩn cấp, hỏa hoạn, cứu hộ cứu nạn

Lực lượng PCCC không chỉ dập lửa mà còn làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn (Ảnh: LH)

2. Rò rỉ khí gas

Gas là nhiên liệu gần như phổ biến trong việc đun nấu của các gia đình, tuy nhiên, sử dụng gas không đúng cách có thể gây nguy hiểm.

Nhiệt độ của khí gas khi cháy rất cao, khoảng 1.000 độ C - dễ gây bỏng cho người và gia súc, cũng như gây cháy lan, khó khăn cho công tác chữa cháy.

Trương hợp khí gas bị rò rỉ thoát ra khỏi bình chứa, tích tụ ở những chỗ trũng trên mặt đất có thể tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy nổ.

Do đó, ngoài việc trang bị kiến thức xử lý khi rò rỉ khí gas, người dân cần biết cách thoát hiểm, tránh hít phải khí gas, gây ngộ độc. Trường hợp không khóa được gas thì nên tìm cách liên lạc với lực lượng 114 để được hỗ trợ.

3. Kẹt thang máy

Các sự cố liên quan đến thang máy như mắc kẹt trong thang máy, rơi thang và không thể ra ngoài, người dân cũng có thể bình tĩnh gọi điện thoại theo số 114 để được hỗ trợ.

Trong trường hợp này, lực lượng PCCC ngoài việc chấn an tinh thần sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để phá cửa thang máy.

4. Ngáo đá gây rối trật tự công cộng

Các trường hợp gặp người ngáo đá leo lên cột điện, leo mái nhà... gây mất trật tự công cộng, người dân nếu không thể khống chế hoặc thuyết phục được thì cũng có thể gọi số 114 để lực lượng cứu hộ có hướng xử lý kịp thời.

114, điện thoại khẩn cấp, hỏa hoạn, cứu hộ cứu nạn

Đối với các vụ mắc kẹt trên cao người dân cũng có thể gọi số  114 cho lực lượng PCCC để được giúp đỡ (Ảnh: LH)

5. Gặp người chuẩn bị tự tử (nhảy lầu, nhảy cầu…)

Nếu phát hiện trường hợp khả nghi, có khả năng nhảy lầu, nhảy cầu, người dân có thể gọi 114 để lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến hỗ trợ.

6. Tai nạn tàu bè, phát hiện xác trôi sông hoặc người đuối nước mất tích

Các trường hợp này, gọi điện cho số 114 là hợp lý vì lực lượng cảnh sát PCCC có nhiệm vụ chính là chữa cháy, tuy nhiên cứu nạn, cứu hộ cũng là một chức năng trọng tâm của họ và hơn hết, lực lượng cảnh sát PCCC được đào tạo để xử lý những tình huống như này.

Cũng cần chú ý, toàn bộ chi phí cho việc cứu hộ được trích từ ngân sách nên người dân không mất một khoản chi phí nào.

Đối với các trường hợp có cháy, nếu điều tra hiện trường cho thấy có dấu hiệu hình sự, chống người thi hành công vụ có sự can thiệp của pháp luật, mới có thể cảnh cáo, xử phạt hành chính, xử phạt hình sự theo quy định của pháp luật.