Những ước mơ khép lại vì không có... khai sinh

(VOH) - Không dễ để dạy trẻ em biết cách ước mơ - nhưng ở đâu đó những ước mơ của các bé lại không thành bởi khai sinh.

Kim Yến (Xã An Phú Tây, Huyện Bình Chánh) – 14 tuổi đang học lớp 5 tại Trung tâm Phát huy Bình An (Q.8). Em mong được tiếp tục học lớp 6 ở trường bình thường nhưng điều này có thể không thực hiện được vì Yến không có khai sinh.

Không chỉ Yến mà cả 4 em của Yến đều không có khai sinh vì cha mẹ mải miết mưu sinh, không đủ giấy tờ cần thiết để làm (mẹ không có giấy CMND). Dù 5 chị em đều đi học miễn phí nhưng chỉ học hết bậc tiểu học và đều không có cơ hội học tiếp.

Yến ước mơ được trở thành bác sĩ nhưng nếu không có giấy khai sinh em sẽ không có cơ hội học tiếp lên cấp 2. Trong trường hợp không được đi học, cậu của Yến cho em đi bán nước ngọt tại bến xe Bến Thành (Video: VOH)

Tại Trung tâm Phát huy Bình An, hiện có gần 30 học sinh thiếu giấy khai sinh. Trung tâm Phát huy Bình Triệu - trung tâm dạy miễn phí cho trẻ nghèo tại Q.Thủ Đức cũng có tới 30 trẻ đang đi học nhưng chưa có giấy khai sinh. Đa phần các em đều sinh ra trong gia đình nghèo, cha mẹ không làm giấy khai sinh hoặc không đủ giấy tờ để làm giấy khai sinh cho con.

Sr Đặng Thị Thu Hạnh - Quản lý trung tâm Phát huy Bình An cho biết, học sinh học tại trung tâm chủ yếu là con nhà nghèo, thiếu giấy tờ để học trường công. Trung tâm đã tạo điều kiện cho trẻ học hết bậc tiểu học và hỗ trợ các em được học tiếp nhưng không ít em vì thiếu giấy khai sinh nên buộc phải ở nhà đi làm sau khi học hết lớp 5.

“Cũng có trường hợp trẻ đang học lớp 3, lớp 4 ở trung tâm đã bỏ học giữa chừng và không thể thuyết phục các em đi học lại được vì không có giấy khai sinh. Gia đình và chính em xác định không có cơ hội học trung học cơ sở nên không đi học nữa mà ở nhà đi làm”.

Thiếu giấy khai sinh là chuyện không hề hiếm đối với những trẻ em nghèo, trẻ nhập cư đang học tại một số trung tâm, lớp học tình thương. Hiện chưa có số liệu chính xác về tổng số trẻ thiếu giấy khai sinh tại TPHCM, tuy nhiên, theo bà Mai Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM thì việc trẻ thiếu giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân sẽ mất cơ hội và quyền lợi về giáo dục, khám chữa bệnh, xin việc làm và an sinh xã hội…

Ngoài ra, các em còn gặp khó khăn khi làm các giấy tờ khác: chứng minh nhân dân hay hộ khẩu và việc bỏ học sớm, làm việc từ khi còn quá nhỏ còn khiến các em dễ gặp nguy cơ về sức khỏe, lạm dụng.

Dù bất cứ lứa tuổi nào trẻ cũng có thể đi học "xóa mù chữ" tại các trung tâm, lớp học tình thương nhưng nếu muốn học lên cao hơn thì hoàn toàn không có cơ hội vì... quá tuổi (Ảnh minh họa: LH)

Để vào học bậc Trung học cơ sở, các em buộc phải có bằng tốt nghiệp tiểu học và độ tuổi (tính từ năm sinh đến năm dự tuyển) từ 11 đến 13 tuổi. Với trẻ nghèo, việc đi học khi quá tuổi khá phổ biến nhưng những vướng mắc về khung tuổi dự tuyển cấp 2 và thiếu giấy khai sinh đang là rào cản lớn nhất để các em được đến trường và thay đổi tương lai sau này.

Đừng tiếc công làm giấy khai sinh cho con

Với những gia đình nghèo, đúng là việc mưu sinh là quan trọng nhưng đây đang là lý do để không ít bậc cha mẹ thờ ơ hoặc bỏ qua việc làm giấy khai sinh cho con cái.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Công ty Luật TNHH Huỳnh Phước Hiệp và cộng sự) chia sẻ, việc làm giấy khai sinh vô cùng cần thiết để trẻ có được quyền công dân cơ bản và có cơ hội phát triển bản thân sau này.

Với trường hợp trẻ thiếu giấy khai sinh như trên, cha mẹ vẫn có thể làm giấy khai sinh cho trẻ tại nơi cư trú của mẹ hoặc cha. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Về thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn, thẩm quyền đăng ký khai sinh quá hạn: Trẻ dưới 14 tuổi chưa làm giấy khai sinh thì có thể làm giấy khai sinh ở ủy ban nhân dân cấp xã, phường - nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định. Người trên 14 tuổi có thể làm giấy khai sinh ở phòng tư pháp/quận, huyện.

Khi đăng ký khai sinh quá hạn phải nộp các giấy tờ theo quy định:

+ Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn).

+ Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng (người làm chứng phải hơn trẻ từ 20 tuổi trở lên) xác nhận về việc sinh; hoặc nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

 Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

* Khi đăng ký khai sinh người yêu cầu đăng ký khai sinh phải xuất trình các giấy tờ sau: Bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân; Giấy tờ chứng minh nơi cư trú.