Chờ...

Nỗi niềm của những nhà giáo sống chung dưới một mái nhà!

TPHCM - Gìn giữ nếp nhà là câu chuyện thách thức của xã hội hiện đại. Nếp nhà của những người giáo viên cũng không nằm ngoài guồng quay đó.  

Với lòng yêu nghề, sự nhẫn nại, những gia đình giáo viên đã trở thành điểm tựa vững chắc, là môi trường tốt đẹp cho con em phát triển.

Như bao gia đình, nếp nhà của nhà giáo là những giờ đón con tan trường, những bữa cơm muộn, những cân nhắc giữa thời gian cho việc trường và việc nhà, nhưng khác chăng là câu chuyện chia sẻ cùng nhau.

Đó không chỉ đơn thuần là cơm áo gạo tiền mà còn là câu chuyện trường lớp, chuyện học trò thân yêu, cách ứng xử nhân văn trong từng tình huống sư phạm.

Đó còn là những lời nhắn nhủ, những câu chuyện kể cho con nghe, những định hướng giáo dục khéo léo được lồng ghép… trong cuộc sống hàng ngày.

Chạnh lòng vì chẳng thể đi khai giảng cùng con!

Bữa cơm gia đình nhà giáo Trần Minh Thành - Phó hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức và nhà giáo Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du luôn ấm áp với những câu chuyện nghề, chuyện trường, chuyện lớp.

gia-dinh-nha-giao-201124
Gia đình nhà giáo Trần Minh Thành và nhà giáo Nguyễn Đoan Trang - Ảnh: TN

Vừa là đồng nghiệp, vừa cùng làm công tác quản lý trường học với hàng trăm hàng ngàn con người, nên những câu chuyện sau một ngày làm việc của thầy cô khá đa dạng.

Đó có khi là câu chuyện về cách ứng xử khéo léo với học sinh hòa nhập, về kế hoạch tổ chức tập huấn cho giáo viên, có khi cũng là những trăn trở để hoạt động nhà trường hiệu quả hơn…

Những cuộc trò chuyện bên mâm cơm vô thưởng vô phạt nhưng với nền tảng chuyên môn, cả thầy và cô đều cảm nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu thậm chí là những giải pháp kinh nghiệm có thể áp dụng cho trường kia.

Chính vì vậy, dù công việc khá nhiều và khá áp lực, nhưng được sự chia sẻ - hỗ trợ từ 'nửa kia' nên cả 2 ngôi trường nơi thầy và cô công tác đều có những thành tích tốt.

Dù có những thuận lợi trong tổ chức gia đình, giáo dục con cái, nhưng thầy Minh Thành chia sẻ, do vợ chồng cùng làm nghề giáo nên đôi lúc cũng chạnh lòng, nhất là khi 6 năm học trôi qua, không lễ khai giảng nào của con, cha mẹ có mặt.

“Có lúc con dỗi, rồi khóc vì tủi thân nhưng cha mẹ chỉ có thể an ủi và bù lại cho con bằng những chuyến vui chơi cuối tuần” – thầy Thành nói.

Thầy Thành cho biết, mình ‘dạy học trò như thế nào là dạy con như thế ấy’. Mong muốn học sinh vừa nắm chắc kiến thức nhưng cũng phải có kỹ năng, biết quan tâm luyện tập thể dục thể thao thông qua các hoạt động nhà trường tổ chức, nên 2 người con của thầy cũng được tạo điều kiện tham gia các câu lạc bộ kỹ năng, thể dục thể thao.

Hàng ngày, chặng đường đưa đón con đến lớp là những câu chuyện, những chia sẻ, định hướng kịp thời với từng giai đoạn trưởng thành của con.

“Dạy con trong giai đoạn hiện nay khá thách thức, có những lúc phải là cha là mẹ nhưng cũng có những lúc phải làm bạn cùng con. Trẻ con hiện nay có những suy nghĩ, lập luận “người lớn” lắm. Mình phải điều tiết bản thân chứ không thể áp “khuôn mẫu” của mình cho con được. Cha mẹ phải nghe con nói, rồi phân tích cho con nghe.

Cha mẹ cùng làm trong lĩnh vực giáo dục sẽ dạy học cho con đúng chuẩn, mình hiểu được sự thay đổi của chương trình và định hướng cho con” – thầy Thành cho biết.  

Dạy trò, dạy con đều cần có sự thấu hiểu thế hệ trẻ

Một ngày mới của cô giáo Hoàng Thị Dung Phương - bộ môn Tiếng Anh Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8) và thầy Giang Chí Nguyện - Tổ trưởng chuyên môn Toán, Trường VinsSchool, bắt đầu với lộ trình đưa con đến lớp trước khi vào tiết dạy.

Khoảng 15 năm trước, hai thầy cô giáo trẻ biết đến nhau từ những câu chuyện về học trò, về trường lớp … “Tình yêu nghề” đã kết nối, vun đắp cho “tình yêu người” nảy nở.

Chia sẻ về nếp nhà của nhà giáo, cô Phương cho rằng, không chỉ thấu hiểu công việc của nhau, những gia đình cả vợ và chồng đều theo nghề giáo có thể chia sẻ hỗ trợ chuyên môn lẫn nhau.

Để nếp nhà vững vàng, mỗi người cần đảm nhận đúng vai trò của mình, đồng thời thống nhất trong quan điểm giáo dục và dạy học cho con.

Với 2 con của mình, vợ chồng cô Phương thống nhất không gây áp lực về việc phải học thật giỏi. Thay vào đó, tạo điều kiện cho con được thử sức ở nhiều lĩnh vực, nhóm kỹ năng khác nhau.

Cô Phương chia sẻ, giáo viên ngày nay không còn quá áp lực về vấn đề kinh tế nhưng để giữ nếp nhà, để dạy tốt con mình và học trò mình rất cần sự thấu hiểu thế hệ trẻ.

“Người thầy ngày nay vẫn phải chuẩn mực nhưng cũng phải năng động, sáng tạo, phải theo kịp các ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng được yêu cầu giáo dục hiện nay. Đồng thời, cũng phải theo kịp các xu hướng thời đại để có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh cũng như của con để có thể giáo dục tốt các em” – cô nói.

gia-dinh-nha-giao-201124-1
Cô giáo Hoàng Thị Dung Phương chụp ảnh cùng học trò của mình - Ảnh: TN

Trường THPT Võ Văn Kiệt đã thành lập đến nay được 10 năm. Ngôi trường thu hút khá đông lực lượng giáo viên trẻ, năng động. Từ môi trường làm việc này đã giúp nhiều giáo viên trẻ gặp gỡ, công tác và nên duyên vợ chồng.

Cô Lê Thị Hồng Anh - Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, hiện có khoảng 10 trường hợp giáo viên trong trường có vợ chồng là nhà giáo. Điều này khá thuận lợi cả trong công việc cũng như cuộc sống.

“Thầy cô có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc, điều kiện công tác, có thể sắp xếp, hỗ trợ nhau về thời gian. Những ngôi trường có những giáo viên từng là đồng nghiệp, là bạn bè sau đó về chung một nhà có sự hiểu nhau về nghề, sẽ là động lực để các thầy cô vượt qua khó khăn của nghề” – cô Hồng Anh nhận định.

Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 cho biết, trên địa bàn Quận có khá nhiều gia đình có cả vợ và chồng đều là nhà giáo.

Hầu hết gia đình nhà giáo là những gia đình có truyền thống hiếu học, có nề nếp, con em của những gia đình nhà giáo thường có kết quả học tập tốt. Từ đó, nêu gương, tạo sự lan toả về tinh thần học tập, xây dựng gia đình văn hoá tại địa phương.

Bà Quỳnh thông tin thêm: “Vì cha mẹ có học vấn, lại có kinh nghiệm, biết cách quan tâm chăm sóc nên các thành viên trong gia đình nhà giáo thường thành đạt và phát triển tốt.

Có thể nói, gia đình nhà giáo đóng góp không nhỏ vào phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố. Gia đình nhà giáo là nơi giữ gìn “ngọn lửa” hiếu học cho Thành phố và cho dân tộc”.

Thỉnh thoảng, đó đây vẫn có những câu chuyện về nếp nhà dễ lung lay trong bối cảnh xã hội đầy cạnh tranh và áp lực. Nếp nhà của nhà giáo chắc hẳn cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều trước những áp lực đó.

Tuy nhiên, với kiến thức, kỹ năng và sự nhân văn trong tiếp cận với đối tượng lao động đặc biệt là con người, những gia đình giáo viên có đôi phần vững vàng hơn trong gìn giữ nếp nhà.

Từ những nếp nhà đó “ngọn lửa” hiếu học được lan tỏa, góp phần xây dựng thế hệ công dân - nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố và cả nước.