Với những nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ của từng hộ nông dân, từng doanh nghiệp, mỗi mùa xuân qua, nông nghiệp lại có thêm nhiều thành tựu.
Những ngày cuối năm, không khí làm việc tại nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Good Life, nằm trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi khá tất bật. Hoạt động xuất nhập hàng vừa kỹ càng, chuyên nghiệp, vừa nhanh chóng, khoa học theo dây chuyền, ngay từ nguồn đầu vào cho đến khi ra kho kiểm định chờ xuất. Sản phẩm trái cây tươi, mộc mạc của các vườn cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long được khoác lên mình tấm áo mới tươi tắn, sang trọng, bởi bao bì, tem kiểm định chất lượng, logo hàng hoá, để sẵn sàng cho những chuyến xuất ngoại. Được biết, mỗi năm công ty xuất khoảng 80.000 -100.000 tấn trái cây tươi các loại sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore, EU...
Nghe bài viết tại đây
Để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính này, ngoài tiêu chuẩn Global Gap, trái cây phải trải qua các công đoạn sục khí, sơ chế trong bồn nước, vào băng chuyền phân size, kiểm tra chất lượng, rồi sắp xếp vào từng khay để đưa vào buồng xử lý hơi nước nóng.
Tuỳ chủng loại trái cây mà nhiệt độ và thời gian xử lý được điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn thanh long cần xử lý ở nhiệt độ là 46,50c, xoài là 470c, măng cụt là 460c. Sự chính xác đòi hỏi phải đạt ở mức chỉ nửa độ c. Công nghệ này giúp khử khuẩn trái cây mà không cần dùng đến bất kỳ hóa chất nào nên khá an toàn cho sức khỏe con người, đồng thời, chất lượng trái cây cũng được đảm bảo.
Phát huy các thế mạnh của mình, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc nhà máy Công ty Good Life, cho biết bước sang năm mới, công ty tiếp tục ứng dụng thêm nhiều công nghệ để đa dạng hoá các sản phẩm, đặc biệt hướng sản xuất thêm các loại trái cây cô đặc Puree.
Ảnh minh họa.
Không chỉ ở các khâu chế biến bảo quản, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cũng phát huy vai trò không kém ở cả khâu sản xuất. Đặc biệt, ở các vườn lan lớn hàng hecta như vườn lan Huyền Thoại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, việc áp dụng công nghệ nhân giống cấy mô, hệ thống tưới nước, thuốc và phân bón tự động, góp phần mang đến cho vườn những sắc hoa tươi thắm, nhất là khi mỗi dịp xuân về.
Trước đây, như nhiều vườn lan trên địa bàn thành phố, vườn lan Huyền Thoại chủ yếu chỉ trồng hoa lan thương phẩm. Dịp tết như thế này, hoa lan đủ các sắc màu được xuất đi các chợ hoa lớn từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TPHCM. Ngoài ra, lan của vườn còn hướng đến các thị trường ngoài nước như Campuchia, Lào, Ấn Độ. Để mở rộng cơ hội xuất hoa, chị Đặng Lê Thanh Huyền, chủ vườn lan Huyền Thoại, cho biết đang tiến hành đầu tư cấy mô lan, đặc biệt là những cây mô đặc trưng riêng có của Việt Nam.
"Nếu xuất qua các nước châu Âu đòi hỏi bản quyền cây mô để ổn định thị trường. Chị cũng hợp tác với trung tâm cấy mô ra những giống lan mang thương hiệu Việt Nam để mình chủ động trong khâu sản xuất và xuất khẩu. Trước hết, tôi đang nghiên cứu những giống nào thị trường ưa chuộng. Nếu nhân từ phom mẹ sẽ mất diện tích đất rất lớn, nhưng mình làm cây mô thì cấp số nhân nó nhiều hơn" - chị Đặng Lê Thanh Huyền nói.
Những nhà vườn, doanh nghiệp trên chỉ là một vài điển hình trong xu hướng ứng dụng cộng nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Hiệu quả của công nghệ cao còn được thống kê trên lợi nhuận nhiều loại cây trồng vật nuôi khác như: dưa lưới trong nhà màn với lợi nhuận trên 900 triệu đồng/ha/năm, rau thuỷ canh lợi nhuận khoảng 1 tỷ 300 triệu đồng/ha/năm, lan dendrobium 1 tỷ 400 triệu đồng/ha/năm, lan mokara lợi nhuận 800 triệu đồng/ha/năm, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 1tỷ 200 triệu đồng/ha/năm... Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của hầu hết các mô hình là vốn đầu tư khá lớn. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ lãi vay của thành phố, ông Đinh Minh Hiệp - Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cho biết những định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao sắp tới.
"Chúng tôi đang cùng với các huyện để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chuyển giao tập trung cho các HTX hoặc các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ cùng với HTX. Từ đó, làm sao có được vùng sản xuất nguyên liệu tốt, phục vụ cho nhu cầu của TPHCM và cả nước" - ông Đinh Minh Hiệp nói.
Thực tế những năm qua, mặc dù nông nghiệp thành phố thường xuyên đối mặt với tình trạng giảm diện tích đất canh tác, nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp vẫn duy trì ở mức khá cao. T
hống kê cuối năm 2018, tổng giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp trên địa bàn tăng 6,2%, gần gấp đôi tăng trưởng bình quân của cả nước. Đáng nói là giá trị sản xuất đất nông nghiệp luôn tăng nhanh qua từng năm mang đến cho người nông dân nhiều động lực để đầu tư sản xuất.
Nếu năm 2015 là 375 triệu đồng/ha/năm, thì đến 2016 giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất nông nghiệp thành phố đã đạt 410 triệu đồng/năm, năm 2017 là 450 triệu đồng/ha/năm và mới đây nhất năm 2018 là 502 triệu đồng/ha/năm.
Tiếp tục đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp phấn đấu năm 2019 giá trị sản xuất sẽ là 550 triệu đồng/ha/năm. Cùng với việc xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đôc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, tại buổi công bố đã định hướng ứng dụng công nghệ cao là một trong những yêu cầu phát triển ngành trong thời gian tới.
"Thúc đẩy tăng năng suất lao động các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên cơ sở khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao với các chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời tăng cường sản xuất, sử dụng các loại giống mới năng suất cao trên địa bàn TP" - ông Nguyễn Phước Trung cho biết thêm.
Xuân đang về trên khắp đất trời thành phố. Hoà chung niềm vui của những thành tựu phát triển kinh tế, những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng góp phần mang về những mùa hoa trái bội thu. Từ những giá trị thực tế mang lại, có thể thấy nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp thành phố một cách bền vững. Nhờ vậy, nông thôn ngoại thành không chỉ chuyên nghiệp, hiện đại hơn mà còn tươi đẹp, hiệu quả hơn, trên thành phố mang tên Bác.