Ở nhà kéo dài do Covid-19 : Học sinh trống rỗng, tuyệt vọng, bị cô lập...

(VOH) - Học sinh phải xin nghỉ học vì bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng do học trực tuyến kéo dài.

Sáng nay (04/03), hơn 400 giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã tham dự Tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?”

Chương trình do báo Tiền Phong tổ chức với sự phối hợp cùng Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Công ty TNHH Xử lý Chất Thải Việt Nam. 

Rối loạn tâm lý học đường do Covid-19: Trống rỗng, tuyệt vọng, bị cô lập..... 1

Các chuyên gia tham gia tọa đàm

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài khiến không chỉ học sinh, sinh viên mà nhiều giáo viên, phụ huynh rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý nặng nề và để lại những hậu quả đáng tiếc.

Nói về những thách thức tâm lý mà các em học sinh phải đối mặt trong thời gian vừa qua, TS Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay – Cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam cho rằng :

"Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và tinh thần, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển.

Trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ.

Thiếu hụt kết nối với xã hội sẽ ảnh hưởng lớn tới các yếu tố cơ bản hình thành nhân cách của trẻ ở hiện tại và trong tương lai. Từ đó tác động tới sức khỏe tâm thần, thể chất và hạnh phúc của các em, và chắc chắn sẽ còn kéo dài hậu quả trong nhiều năm tới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF, cứ 7 em thì có 1 trẻ vị thành niên trên toàn cầu chẩn đoán bị rối loạn tâm thần. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần của trẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19".

Rối loạn tâm lý học đường do Covid-19: Trống rỗng, tuyệt vọng, bị cô lập..... 2

Học sinh tham gia phát biểu ý kiến chia sẻ tại tọa đàm.

Tham gia tọa đàm, nhiều bạn học sinh đã bày tỏ những thách thức mà chính bản thân các em đang phải đối mặt. Có em đã phải chịu đựng nhiều căng thẳng, áp lực về tâm lý, cảm thấy bị cô lập nhưng lại không thể chia sẻ với ai.

Nhiều em chia sẻ cảm giác bí bách, trống rỗng khi không có việc để làm, áp lực khi tự cách ly, tuyệt vọng khi chứng kiến người thân qua đời... trong giai đoạn đại dịch.

Đồng thời các em cũng cảm nhận được những khó khăn về tài chính, sức khỏe mà cha mẹ, người lớn phải đối mặt. 

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, học sinh đang gặp rất nhiều những rối loạn tâm lý đến từ các nguyên nhân: áp lực điểm số, gia đình, bạo lực học đường... đặc biệt là với các em học sinh cuối cấp.

Đã đến lúc các cơ sở giáo dục phải thực sự quan tâm, tìm ra giải pháp để giúp các em vượt qua những khủng hoảng này, sớm trở lại môi trường học tập hiệu quả. 

Mới đây, trường cũng đã tiếp nhận trường hợp 1 phụ huynh xin nghỉ học cho con. Nguyên nhân là học sinh này bị rối loạn khủng hoảng tâm lý trầm trọng do thời gian học trực tuyến kéo dài.

Do đó người lớn, thầy cô, cha mẹ phải có sự quan tâm nắm bắt kịp thời để sớm phát hiện những vấn đề tâm lý bất thường ở các em. 

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt Quận 8 chia sẻ, không phải học sinh, sinh viên nào cũng có thể vượt qua những cú sốc về tâm lý. Do đó vai trò của người tư vấn, chăm sóc tâm lý trong nhà trường vô cùng quan trọng. Nhất là trong giai đoạn đại dịch, nhiều em phải cách ly với gia đình thì việc có người quan tâm, chia sẻ sẽ giúp các em có thể vượt qua.

Trường THPT Võ Văn Kiệt đã thành lập đường dây nóng, công khai số liên lạc của Ban giám hiệu để kịp thời tư vấn, trợ giúp cho các em. Trường còn tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến để các em có thể cùng trò chuyện, mạnh dạn bày tỏ khó khăn của mình với các thầy cô. 

Để nhận diện những rối loạn tâm lý học đường, thạc sĩ tâm lý Cao Thị Thùy Trang - Giảng viên ĐH Quốc Tế Sài Gòn cho rằng, cần chú ý các biểu hiện : thường cảm thấy buồn chán, không muốn giao tiếp, kém tập trung, mau quên, khả năng ghi nhớ kém, rối loạn ăn uống/giấc ngủ, dễ cáu giận, nghĩ đến cái chết... Khi đó các bạn học sinh cần tìm đến thầy cô, các chuyên gia tâm lý.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị tư vấn lâm sàn Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của những gia đình trong cơn đại dịch Covid 19. Nhiều bạn học sinh đã được giáo viên, cha mẹ đưa đến hoặc tự tìm đến các bác sĩ chuyên gia với nhiều mức độ rối loạn từ nhẹ đến nặng.

Để giải quyết các rối loạn tâm lý, yếu tố quan trọng nhất là ứng dụng công thức MAD - Make A Difference nghĩa là Hãy làm khác đi. Trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi người hãy chọn một góc nhìn khác đi về sự việc, hiện tượng để thay đổi suy nghĩ tích cực hơn, nhìn thấy điểm mạnh của bản thân để vững vàng vượt qua khó khăn. 

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang - Giảng viên phân viện Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện vẫn chưa có số thống kê cụ thể cho thấy các em bị bỏ mặc hay quan tâm khi chia sẻ các vấn đề tâm lý của mình.

Tuy nhiên, theo thống kê của UNICEF thì hiện VN vẫn còn khoảng trống khi các em tiếp cận sự hỗ trợ để giải quyết các vấn đề tâm lý học đường. Vẫn còn tình trạng học sinh ngại chia sẻ, phụ huynh ngại thừa nhận con mình gặp vấn đề tâm lý.

Trong khi các em hoàn toàn có quyền và xứng đáng nhận sự hỗ trợ khi đối mặt với các vấn đề tâm lý.