Chờ...

Phát triển tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn

(VOH) - Sáng 23/8, Hội thảo khoa học “Vai trò của trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn” được tổ tức tại trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Hội thảo khoa học “Vai trò của trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Hội Khuyến học Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có: GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, cùng các nhà khoa học đến từ các trường ĐH, trung tâm, các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy trên cả nước.

Trong bối cảnh đó, giáo dục đã trở thành hệ thống mở hướng tới xây dựng xã hội học tập với tư tưởng cốt lõi là xây dựng môi trường, tạo điều kiện thúc đẩy việc học tập mọi người, đó là xu thế giáo dục của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Phát triển giáo dục thường xuyên là một nội dung cơ bản trong lộ trình xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những giá trị cốt lõi bao hàm hết các nội dung, phương thức, phương pháp, tính chất, ý tưởng và quản lý sự nghiệp giáo dục người lớn.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, các nguồn tài nguyên giáo dục mở xuất hiện từ sớm, như học trực tuyến, học tập điện tử e-learning và giáo dục từ xa, nhưng lại khá mới mẻ và ít biết đến ở Việt Nam.

Về phương diện giáo dục người lớn, cuộc vận động người lớn học tập suốt đời hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, tức là nhân lực đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thuộc nền kinh tế quốc dân có tầm chiến lược quốc gia.

Khái niệm người lớn ở đây là những người đã qua vòng giáo dục ban đầu và sẽ học tập suốt đời trong các thiết chế giáo dục tiếp tục, chủ yếu là học tập dưới các hình thức không chính quy và phi chính quy.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thư viện đại học Việt Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu về học liệu của giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu. Việc thiếu hụt các tài nguyên học tập đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Trong điều kiện không đủ kinh phí để mua các nguồn học liệu cần thiết, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu miễn phí còn hạn chế thì việc các trường đại  học Việt Nam liên kết xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tạo lập môi trường tự do học thuật, khuyến khích việc đầu tư biên soạn giáo trình, bài giảng và các tài liệu học tập khác, từ đó tạo động lực để giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ thư viện thúc đẩy phát triển và chia sẻ các nguồn học liệu mở.

Trong khi đó phát triển giáo dục mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở được xem là rất quan trọng, đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu chia sẻ, phát triển tri thức của mọi người.

Theo khảo sát, chỉ khoảng 11% giảng viên, cán bộ thư viện hay sinh viên VN đã từng sử dụng tài nguyên giáo dục mở. Một số trường đại học của Việt Nam có kho dữ liệu khổng lồ, nhưng chưa thể chia sẻ cho mọi đối tượng, ngoài sinh viên, giảng viên trong trường, do e ngại có thể bị vi phạm bản quyền chất xám, và vì thiếu cơ chế chính sách.

Theo các đại biểu, việc xây dựng và phát triển hệ thống các trường đại học tham gia trong một mạng lưới tổ chức xây dựng tài nguyên giáo dục mở, giúp cho tài nguyên giáo dục mở càng phong phú thì việc chia sẻ tri thức càng mở rộng. Song để có một nguồn tài nguyên mở tập trung tri thức, chất xám một cách đầy đủ nhất, thì cần phải có kế hoạch phát triển tài nguyên giáo dục mở ở quy mô cấp quốc gia. Điều này nghĩa là Chính phủ sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình xây dựng kế hoạch, đầu tư hoặc vận động đầu tư, điều phối tạo lập và phổ biến, đánh giá và cải tiến tài nguyên giáo dục mở nhằm phục vụ cho nền giáo dục của đất nước.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam