Quy định xử phạt xe chính chủ: vô phương ?

(VOH) - Thính giả ở quận 1 phân tích chung quanh việc xử phạt xe chính chủ dưới góc độ tính khả thi của các qui định pháp luật. Để rộng đường dư luận, VOH online xin đăng ý kiến của vị thính giả để cơ quan chức năng và bạn đọc chuyên mục Tư vấn pháp luật tham khảo.

Hình minh họa

Tôi là thính giả của VOH, chung quanh việc xử phạt xe chính chủ, xin có vài ý sau:

Người tham gia giao thông trên đường thì chỉ có 3 khả năng.

Trường hợp 1: đi xe của chính mình đã sang tên, trường hợp này không bị phạt (xin không đề cập trong nội dung bài viết nầy)

Trường hợp 2: Người lái xe là chủ xe nhưng chưa sang tên hoặc không sang tên - trường hợp này bị phạt. Xe không chính chủ do chưa sang tên

Trường hợp 3: đi xe mượn của người khác (gia đình bạn bè, người quen…). Trường hợp này không xử bị phạt. 

Do đó chỉ cần phân biệt được trường hợp 2 hay trường hợp 3 thì mới xử phạt hay không xử phạt.

Ở Việt Nam thường người dân có thói quen mượn xe của người thân, bạn bè, người quen biết, người làm chung …. Do xe 2 bánh không phải là tài sản giá trị lớn hoặc do tin tưởng nên người cho mượn xe không làm giấy tờ gì với người mượn xe (nhất là mượn trong thời gian ngắn).

Vậy làm sao phân biệt người đang đi xe mượn hay đi xe không sang tên ? ( trường hợp 2 và 3)

Việc chứng minh này không thể thực hiện được vì chưa có những giấy tờ nào, cách nào chứng minh một người đi xe của mình (mà không sang tên xe) để CSGT ra quyết định xử phạt tại nơi vi phạm (hai cá nhân mua bán bằng giấy tay không ra sang tên nên không thể có trong hồ sơ tại cơ quan chức năng). 

Cảnh sát giao thông không thể khẳng định (xử phạt) một người đi xe của mình không sang tên (đi xe không chính chủ ) khi người đó không chứng minh được mình đang đi xe mượn từ ai!

Khi người tham gia giao thông khai với cảnh sát giao thông là tôi đi xe mượn của người thân bạn bè thì không thể bắt buộc người tham gia giao thông phải chứng minh anh đang tham gia giao thông bằng một chiếc xe mượn để không bị phạt !

Nếu bắt buộc người mượn xe phải chứng minh là xe mượn bằng văn bản của người cho mượn xe hay yêu cầu người cho mượn xe tới tận nơi để chứng minh là xe mượn thì sẽ dẫn đến không ai dám cho người khác mượn xe nữa. Cũng như sẽ làm khó cho người cho mượn xe là chính ba mẹ, anh chị, người thân … của người mượn xe là con cháu anh, em…trong gia đình (thường cho mượn bằng miệng không cần làm giấy tờ cho mượn).

Việc người này cho người khác mượn xe để đi là điều bìnth thường. Việc xử phạt như vậy không khuyến khích tinh thần trương trợ giúp đỡ lẫn nhau vốn là truyền thống của trong họ hàng gia đình của người VIệt Nam.

Việc ra qui định xử phạt xe không chính chủ là qui định được triển khai toàn quốc. Nếu 1 địa phương nào đó (Hà Nội, TPHCM ) cho biết có thể xác minh xe không chính chủ bằng dữ liệu dân cư riêng của địa phương đó (dù bộ dữ liệu của địa phương cũng chưa đầy đủ) thì cũng chỉ trong phạm vị địa phương đó. Do đó không thể ra qui định có hiệu lực trên toàn quốc mà chỉ có 1 địa phương có thể thực hiện được còn các địa phương khác không thực hiện được !

Về mặt lý cũng như về mặt tình thì qui định xử phạt này cũng không thực hiện cũng như không nên thực hiện. Vì khi đưa vào thực hiện mà không khả thi thì chỉ làm cho  hiệu lực của quy định bị ảnh hưởng, người dân suy giảm lòng tin vào pháp luật.

Xin cảm ơn và  trân trọng kính chào quí Đài.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)