Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quỹ học bổng Vừ A Dính: Hành trình 20 năm 'lên rừng xuống biển'

(VOH) - Được thành lập từ năm 1999, Quỹ học bổng Vừ A Dính đến nay đã đi được chặng đường 20 năm.

Đến nay, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ của hơn 5.000 lượt các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước với tổng kinh phí hơn 370 tỷ đồng. Trao hơn 83.000 suất học bổng thường niên cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, vùng biển đảo có hoàn cảnh khó khăn, có ý thức vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt trong cả nước.

Từ mục tiêu ban đầu là tài trợ học bổng cho học sinh vùng dân tộc, thiểu số, bước qua chặng đường 10 năm, năm 2009, Quỹ đã xác định mục tiêu hoạt động cho giai đoạn mới, là đầu tư hoạt động theo chiều sâu với nhiều mô hình nhằm góp phần tạo nguồn lực lâu dài, bền vững cho vùng dân tộc và biển đảo - là những vùng khó khăn, phên dậu của Tổ quốc. Từ mục tiêu đó, Quỹ đã vận động các tổ chức, cá nhân đồng hành với Quỹ thực hiện các dự án về đào tạo con người và xây dựng trường học, cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Anh hùng Liệt sĩ Vừ A Dính hy sinh (15/06/1949 – 15/06/2019), nhìn lại chặng đường 20 năm “lên rừng xuống biển”, phóng viên VOH có phỏng vấn bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính.

Bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính trao học bổng cho các em nhỏ vùng cao

 Bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính trao học bổng cho các em nhỏ vùng cao. Ảnh: phunuvietnam

*VOH: Thưa bà, Quỹ học bổng Vừ A Dính vừa tròn 20 năm thành lập. Trong hành trình 20 năm qua, theo bà Quỹ đã đem lại những giá trị cộng đồng như thế nào?

Bà Trương Mỹ Hoa: 20 năm qua, mục tiêu ban đầu của Quỹ là chăm lo cho các em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nhưng lại có ý chí phấn đấu vươn lên nhưng không có điều kiện. Mục tiêu ban đầu của nó là như vậy. Tính đến nay, Quỹ đã trao được 83.000 suất học bổng cho học sinh 54 dân tộc trên cả nước. Khi tổng kết 10 năm, Quỹ nhận ra ngoài việc đầu tư theo chiều rộng thường xuyên mỗi năm 5.000 suất học bổng – giờ đã lên 8.000 suất, thì Quỹ cần có dự án để đào tạo nguồn nhân lực thật sự, có nghĩa là đầu tư theo chiều sâu để đào tạo ra nguồn lực, nhân tài cho thời kỳ mới của chúng ta. Chúng tôi hình thành 4 dự án. Dự án thứ nhất là Ươm mầm tương lai; dự án Chắp cánh ước mơ; dự án Mở đường đến tương lai; dự án Thắp sáng tương lai. Chúng tôi đào tạo được 774 em học sinh dân tộc thiểu số, biển đảo, trong đó 64% là nữ. Các em thuộc 36 dân tộc thiểu số. Có điều rất mừng là quá trình học tập của các em nói chung tốt. Hiện đã có 275 em đã tốt nghiệp trung học phổ thông, 166 em tiếp tục học lên đại học, cao đẳng. Trong đó có 6 em được học bổng du học nước ngoài. 60 em đã tốt nghiệp đại học – cao đẳng, quay về bản làng của mình công tác, phục vụ cho bản làng. Đó là những con số rất rõ, bởi đối với các em giờ đã không còn là niềm mơ ước mà là những cán bộ, trí thức trẻ trở về phục vụ cho bản làng của các em. Ngoài ra, câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” ra đời, câu lạc bộ kết nối những tấm lòng, trái tim tình cảm, mong muốn và cao nhất là ý chí để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

*VOH: Với cá nhân bà thuộc lòng từng con số, từng sự thay đổi của hành trình 20 năm qua. Vậy bà còn điều gì tâm tư đối với quỹ học bổng này?

Bà Trương Mỹ Hoa: Tôi nghĩ rằng 20 năm qua kết quả như vậy nhưng chúng tôi coi là chưa nhiều. Còn nhiều hoàn cảnh, còn nhiều thứ chúng tôi chưa với tới được. Chúng tôi mong sao Quỹ ngày càng phát triển, có nguồn lực lớn hơn để chúng tôi có thể hỗ trợ, chia sẻ học bổng cho các cháu nhiều hơn. Mặc dù mỗi năm có 8.000 suất học bổng được trao, nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển. Ở đâu cũng có những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay góp sức. Cho nên, sự nghiệp lên rừng xuống biển của chúng tôi còn dài, mong muốn sự chung tay góp sức mạnh mẽ hơn để việc lên rừng thì lên “cho sâu hơn”, xuống biển thì xuống biển “cho xa hơn”, có thể vươn tới tất cả những hoàn cảnh, những đối tượng mà chúng ta cần chung tay, cũng chính là góp một phần cho việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với toàn dân chúng ta.

*VOH: Sự đóng góp của các mạnh thường quân để làm nên thành công của Quỹ học bổng Vừ A Dính, theo bà cần ghi nhận ra sao?

Bà Trương Mỹ Hoa: Quỹ học bổng Vừ A Dính là quỹ lấy trái tim và tấm lòng là xuất phát điểm để hành động. Những người đồng hành cùng chúng tôi là những người hiểu, ý thức trách nhiệm thực hiện công việc này. Chúng tôi đánh giá rất cao những nhà tài trợ, mạnh thường quân, những người đã đồng hành cùng chúng tôi trên chặng đường lên rừng xuống biển. Không phải là sự ban phát, mà là trách nhiệm hẳn hoi. Thậm chí, có anh chị ở các trường phổ thông nói rằng làm công việc này cũng chính là sự đền ơn đáp nghĩa của chúng ta đối với bà con dân tộc thiểu số, ở những vùng địa chính trị quan trọng đối với cách mạng của chúng ta trước kia cũng như trong điều kiện ngày nay. Cho nên, người ta còn nói tới một ý thức cao hơn, không phải là sự ban phát, là công tác từ thiện, mà là sự đền ơn đáp nghĩa đối với những người ở vùng phên dậu Tổ quốc của chúng ta.

*VOH: Cảm ơn bà!

Bình luận