Sách Kỹ Năng Báo Nói: Chương II - CÁC LOẠI HÌNH PHÁT THANH

(VOH) - Phát thanh có rất nhiều định dạng khác nhau như phát thanh tương tự (analog radio), phát thanh số (digital radio), phát thanh vệ tinh (satellite radio) và phát thanh qua mạng (internet radio).

Trong truyền dẫn vô tuyến, cần thiết phải đưa, truyền được tín hiệu âm thanh (âm nhạc, giọng nói…) từ đài phát qua một khoảng cách địa lý khá xa nào đó để đến được máy thu mà không sử dụng bất kỳ dây truyền dẫn nào. Như ta đã biết, tín hiệu âm thanh chỉ có thể truyền trực tiếp thẳng đi xa ở một khoảng cách nhất định nào đó. Nếu vượt qua khoảng cách này thì âm thanh không thể truyền đến (để nghe) được. Nếu truyền tải tín hiệu âm thanh bằng dây dẫn thì cũng không thể truyền đi khoảng cách rất xa do hạn chế về mức chịu tải công suất của chính dây dẫn đó.

Tuy vậy, nhờ các phát minh về kỹ thuật trong thế kỷ 19 và 20, người ta thấy rằng tín hiệu âm thanh có tần số nằm trong dải từ 20Hz đến 20kHz với mức năng lượng thấp và hầu như không thể bức xạ được. Trong khi đó, các tín hiệu có tần số cao lại có thể truyền đi rất xa hàng trăm km nhờ khả năng bức xạ điện từ của nó. Bên cạnh đó, người ta cũng đã phát minh ra cách ghép tín hiệu âm thanh vào tín hiệu điện từ tần số cao để truyền đi. Cách thức ghép này gọi là điều chế với tín hiệu điều chế là tín hiệu âm thanh và tín hiệu bị điều chế là tín hiệu tần số cao hay còn gọi là sóng mang RF (radio frequency).

Do đó, phát thanh vô tuyến (Radio Broadcasting) hay gọi tắt là phát thanh ra đời với định nghĩa là việc truyền dẫn tín hiệu (nội dung) âm thanh bằng các sóng vô tuyến RF. Phát thanh có rất nhiều định dạng khác nhau như phát thanh tương tự (analog radio), phát thanh số (digital radio), phát thanh vệ tinh (satellite radio) và phát thanh qua mạng (internet radio).

2.1 Phát thanh tương tự (Analog Radio)

Phát thanh tương tự gồm 02 dạng chính là phát thanh AM và phát thanh FM. Cách gọi này xuất phát từ cách thức tín hiệu âm thanh điều chế tín hiệu sóng mang RF (còn gọi là sóng cao tần). Trong đó, điều chế là quá trình một tín hiệu dải gốc (baseband), ví dụ là âm thanh tiếng nói, nhạc…, làm thay đổi thông số nào đó của tín hiệu khác có tần số cao hơn (sóng mang). Quá trình này được minh họa ở hình 2.1.

Sách Kỹ Năng Báo Nói: CHƯƠNG II - CÁC LOẠI HÌNH PHÁT THANH 
 

Tín hiệu cần truyền khi đó được nói là được “ghép” vào sóng mang. Sóng mang thường là tín hiệu hình sin do khối dao động tạo ra. Sóng mang này được đưa đến khối điều chế cùng với tín hiệu dải gốc. Tại đây, tín hiệu dải gốc sẽ làm thay đổi tín hiệu sóng mang theo một cách nào đó.

Mời bạn đọc xem bản đầy đủ sách Kỹ năng báo nói do VOH thực hiện tại đây.