Mô hình của thầy Võ Hồng Tình - Giáo viên Khoa cơ khí động lực.
Dẫn chúng tôi vào tham quan mô hình, thầy Tình cho biết, đây là kết quả của những ấp ủ, trăn trở trước những yêu cầu mới về công tác đào tạo nghề. Đó là làm sao gắn công nghệ vào trong công tác giảng dạy, tăng sự tương tác và thực hành để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhìn quá trình thầy Tình và các học viên thao tác trên sa bàn, chúng tôi thấy được sự tương tác rất rõ rệt giữa giáo viên, học viên thông qua bài giảng thực hành thực tế.
Ảnh: Trường Trung Cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương
Học viên Ngô Minh Nhựt có 4 tháng theo học nghề sửa chữa ô tô tại trường cho biết, đã có 4 lần được học trực tiếp trên sa bàn này. Nhìn thấy được trực tiếp cấu phần bên trong của một động cơ, nhờ vậy hiểu nhanh hơn về nguyên lý hoạt động, sự cấu tạo của hệ thống phun xăng điện tử. Sa bàn này gần như là một động cơ thực, có thể vận hành, tiếp xúc trực tiếp và hiểu rõ được hoạt động của động cơ khi có dòng điện đi qua. Hiểu được tỷ lệ, mức độ phun xăng của động cơ xe ô tô theo dạng sương hay nhỏ giọt và sự điểu chỉnh theo tốc độ. Khi áp dụng kiến thức trên động cơ thật của xe sẽ giúp dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. "Với sáng kiến của thầy Tình qua mô hình này giúp cho tôi thực hành trên xe dễ dàng hơn. Tôi nhìn nguyên lý làm việc, hiểu được mô bin đánh lửa ra sao, hiểu được từ động cơ số 1, số 2 , số 3 đánh lửa như thế nào. Tôi sẽ hiểu bài nhanh hơn", Anh Nhựt cho hay.
Nói về lợi ích mang lại từ mô hình học cụ này, thầy Tình chia sẻ, chi phí để đầu tư sa bàn chỉ khoảng 40 triệu đồng. Nếu như nhà trường đầu tư mua hệ thống phun xăng điện tử của xe ôtô Toyota Vios sẽ tốn chi phí lên đến 120 triệu đồng. Cụ thể, chỉ 1 sa bàn khi đưa vào giảng dạy tại khoa cơ khí động lực đã giúp làm lợi cho nhà trường lên đến 80 triệu đồng. Thông thường, trong 1 xưởng thực hành ô tô phải có 05 sa bàn cho 20 người học thực hành, tức là 5 sa bàn cho 5 nhóm thực hành, mỗi nhóm thực hành có 04 người học. Vậy thì tổng số tiền tiết kiệm được lên đến 400.00.000 đồng. Nếu như làm tốt công tác bảo trì bảo dưỡng, sa bàn này sẽ được sử dụng rất lâu dài thì giá trị làm lợi càng tăng lên. Song điều quan trọng nhất mà sa bàn mang lại chính là góp phần nâng cao được chất lượng đào tạo nghề cho học viên của khoa và của trường khi gắn lý thuyết với thực hành thông qua những học cụ hoàn chỉnh.
Thầy Tình bộc bạch: "Trong giáo dục nghề, ngoài kiến thức chuyên môn thì giữa giáo viên với học viên phải có sự tương tác. Người thầy phải truyền đạt sự nhiệt huyết cho sinh viên và học viên. Cần có sự kết hợp của vật tư, trang thiết bị, mô hình thực tế, giống như mô hình thực tế sa bàn hiện tại. Có như vậy, sẽ kết hợp cho người học học thực hành nhiều hơn. Phương châm của dạy nghề là vừa dạy lý thuyết cộng với mạnh thực hành, để người học khi học xong khóa học ra có thể làm thực tế được luôn".
Đánh giá về tính hiệu quả từ mô hình sa bàn này khi đưa vào giảng dạy tại Khoa cơ khí động lực, thầy Nguyễn Đắc Hiển - Trưởng Phòng Đào tạo cho biết, mô hình đã cung cấp cho học viên một môi trường học tập hiệu quả về công nghệ ô tô. Đó chính là trực quan sinh động. Học cụ là một hệ thống dựa trên công nghệ mới nhất gắn với những kinh nghiệm trong quá trình đào tạo nghề. Sử dụng các khả năng kỹ thuật, sự tương tác trong môi trường học tập, giúp học viên có cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống quản lý động cơ, hiểu biết chân thật nhất trong các phương pháp sửa chữa. Quan trọng nhất là kết hợp giữa phần cứng và phần mềm trong thời gian thực, rút ngắn được thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, giúp cho công tác đào tạo nghề của nhà trường đạt hiệu quả một cách toàn diện. Bên cạnh đó, ngoài năng lực chuyên môn thầy Tình còn là nhân tố tích cực trong phong trào thi đua làm nên sáng kiến của nhà trường, đóng góp rất lớn vào trong nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng thương hiệu cho nhà trường.
"Thay vì trước đây, 1 bài giảng của môn học đòi hỏi giáo viên phải làm rất nhiều những ví dụ nhỏ, mô hình nhỏ. Bây giờ chỉ cần 1 mô hình của thầy Tình đã giải quyết được 30 mô đun môn học. Và học viên chỉ cần học trên mô hình đó từ 2-3 giờ là có thể xuống điều chỉnh trên chiếc xe thực tế, giúp giảm thiểu được tai nạn và việc làm hư hỏng thiết bị, rút ngắn thời gian đào tạo và tăng hiệu quả đào tạo", thầy Hiển nhận xét thêm.
Được biết, sa bàn học cụ này ra đời và được đưa vào sử dụng trong năm học 2018-2019 với hàng trăm học viên được tương tác trực tiếp. Ngoài ra, mô hình của thầy Tình còn là sản phẩm đại diện nhà trường tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp TP năm 2019. Theo đánh giá từ ban giám khảo tại hội thi, mô hình “Sa bàn khảo nghiệm hệ thống phun xăng điện tử tương tác theo thời gian thực” của trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đã phát huy được trí tuệ, sự sáng tạo của tập thể giáo viên khoa Cơ khí động lực, thể hiện được tính sư phạm, tính thẩm mỹ, tính ứng dụng thực tiễn các cao trong công tác giảng dạy giúp học viên nhanh chóng tiếp thu bài giảng, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.
Với những sáng kiến và những đóng góp trong công tác giảng dạy, trong hoạt động công đoàn, thầy giáo Võ Hồng Tình vinh dự được Liên đoàn lao động quận 5 trao tặng giải thưởng Trần Văn Kiểu năm 2020. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những cá nhân đạt thành tích xuất sắc, có nhiều cách làm hay, có nhiều sáng kiến, cải tiến làm lợi cho đơn vị.
Mỹ Trang