Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Sinh viên tốt nghiệp tự nhận thấy chưa thể đáp ứng ngay dịch vụ kế toán, kiểm toán

(VOH) - 80% sinh viên cho rằng, chương trình đào tạo ngành kế toán còn nặng về tính hàn lâm; 70% trả lời, chưa thể nắm bắt được công việc kế toán, kiểm toán ngay mà phải hướng dẫn lại,...

Đây là một vài con số được nêu tại hội thảo “Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo ngành kế toán các trình độ của giáo dục đại học diễn ra ngày 13/3 do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh.

sinh-vien-tot-nghiep-tu-nhan-thay-chua-the-cung-ung-ngay-dich-vu-ke-toan-kiem-toan-cho-doanh-nghiep-voh.com.vn-anh1
Quang cảnh hội thảo.

Điều chỉnh cách xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận phát triển

Khảo sát sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, các trường đại học đào tạo ngành nghề kế toán, kiểm toán lớn và có uy tín của Việt Nam cho thấy, có tới 2/3 ý kiến cho rằng chưa thể nắm bắt được công việc ngay khi được giao mà phải hướng dẫn và đào tạo lại.

Gần như 100% sinh viên tốt nghiệp tự nhận thấy chưa thể cung ứng ngay dịch vụ kế toán, kiểm toán cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam…

Tiến sĩ Lý Thị Minh Châu - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Khi cộng đồng ASEAN đã thành lập, việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đòi hỏi Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có tính chuyên nghiệp cao, đủ năng lực cạnh tranh với lao động của các nước khác trong khu vực.

Thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng có xu hướng đưa vào chương trình giảng dạy quá nhiều lý thuyết kiểm toán trong khi sinh viên rất cần nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và kỹ năng thực hành hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo bà Châu, quan điểm, định hướng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành Kế toán cần gắn với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở Giáo dục Đại học theo hướng giúp các trường điều chỉnh cách xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình đào tạo theo tiếp cận phát triển, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của nghề kế toán.

'Tiếp đó, cần gắn kết giữa xây dựng, thực hiện chương trình với việc đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo thông qua chuẩn chương trình, tạo thuận lợi cho đánh giá chương trình và cải tiến chất lượng các chương trình ngành Kế toán.

Đồng thời, thúc đẩy thực hiện tham chiếu giữa Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ của các quốc gia ASEAN, làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo kế toán cho Việt Nam có khả năng tìm việc làm trong thị trường lao động các nước ASEAN.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Trang - Trưởng đại diện ICAEW Việt Nam đã chia sẻ những hoạt động của tổ chức này trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo kế toán kiểm toán tại Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu lao động mới trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Sau hơn 5 năm hoạt động tại Việt Nam, ICAEW đã hợp tác với 16 trường Đại học trên cả nước, trong đó 10 trường đại học kinh tế - tài chính hàng đầu tại Việt Nam đã đưa chứng chỉ ICAEW CFAB tích hợp vào chương trình đào tạo với các cấp độ khác nhau tuỳ vào chiến lược của nhà trường, năng lực giảng viên và khả năng của sinh viên.

"Trong quá trình hợp tác với các trường đại học, chúng tôi tập trung vào 4 nội dung chính là xây dựng, phát triển thương hiệu của các trường sang khu vực và quốc tế, phát triển các chương trình tích hợp đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực chuyên môn quốc tế để giảng dạy cho sinh viên, đồng thời triển khai nhiều chương trình nâng cao năng lực giảng viên. Một nội dung hợp tác được chúng tôi rất chú trọng là trang bị kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên”, bà Trang cho biết.

Năm 2019, ICAEW và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) tại London về phát triển đào tạo trong lĩnh vực tài chính - kế toán của Việt Nam, với mục đích triển khai và đẩy mạnh việc áp dụng Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời hợp tác thúc đẩy xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo đại học ngành Tài chính – Kế toán đáp ứng các yêu cầu của ngành nghề.

Sau thỏa thuận MOU được ký kết, ICAEW đã triển khai rất nhiều các hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa các nội dung trong bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa hai bên.

sinh-vien-tot-nghiep-tu-nhan-thay-chua-the-cung-ung-ngay-dich-vu-ke-toan-kiem-toan-cho-doanh-nghiep-voh.com.vn-anh2
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận về phát triển và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo kế toán của các cơ sở giáo dục Đại học.

Người học sau tốt nghiệp phải đạt được các kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm

Nói thêm về việc phát triển và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo kế toán của các cơ sở giáo dục Đại học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam có 8 bậc trình độ: Sơ cấp 1, Sơ cấp 2, Sơ cấp 3, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Chuẩn đầu ra ở mỗi bậc bao gồm: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân.

Khối lượng học tập tối thiểu như: Cao đẳng gồm 60 tín chỉ, đào tạo trong vòng 2 - 3 năm; Đại học gồm 120 - 180 tín chỉ, đào tạo từ 3 - 5 năm; Thạc sĩ có 30 - 60 tín chỉ, đào tạo 1 - 2 năm; Tiến sĩ có 90 - 120 tín chỉ, đào tạo từ 3 - 4 năm. Trong đó, yêu cầu về năng lực người học sau tốt nghiệp phải đạt được các kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm.

Bình luận