Chờ...

Tăng lương cho giáo viên: Tiền từ đâu, tăng như thế nào?

(VOH) - Tiền đâu để tăng lương cho giáo viên và tăng như thế nào là nôi dung được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia góp ý tại Hội thảo Góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, vừa diễn ra sáng 12/12 với sự tham dự của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng; đại diện các Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM và nhiều trường phổ thông trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo

Thực tế thời gian qua, mức lương giáo viên xếp vào mức thấp trong xã hội. Không ít trường mầm non không tuyển được người do giáo viên mới vào nghề chỉ nhận hệ số lương bậc trung cấp.

Nhiều địa phương do điều kiện khó khăn, mức đầu tư cho giáo dục chỉ hơn 10% (quy định là 20%) giáo viên và học sinh không đủ nguồn kinh phí để tham gia ngay cả các cuộc thi đặc thù của ngành như: học sinh giỏi, giáo viên giỏi.

Vì vậy, ông Phan Sỹ Quang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, tỉnh Đắk Nông cho rằng tăng lương, giáo viên vui mừng 1 thì những người quản lý vui mừng gấp bội lần. Hiện tại, vấn đề này đang rất khó tháo gỡ đối với tất cả những người quản lý trong các trường trung học phổ thông. Họ phải bươn chải ra bên ngoài, phải dạy thêm, dạy dấm dạy dúi làm sao đó có thu nhập để đáp ứng cuộc sống. Nếu giáo viên không làm việc khác mà chỉ trông vào lương không thì không đáp ứng.

PGS. TS Hoàng Thị Thuý Nguyệt, Trưởng bộ môn Quản lý tài chính công, Học viện Tài chính, đóng góp cho dự thảo Luật

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Đại học Luật TPHCM, cho rằng lương khởi điểm hiện nay của giáo viên rất thấp, nên không thu hút được người có năng lực vào ngành. Vì vậy, đề xuất đưa mức lương nhà giáo lên mức cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp là chủ trương hợp lý. Vấn đề là nguồn tiền từ đâu và thực hiện như thế nào. Nhóm nghiên cứu độc lập của bà đưa ra các nhóm giải pháp như: thực hiện nguyên tắc tự chủ tài chính đối với các trường đại học công lập, tinh gọn biên chế giáo viên theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Ngoài ra, cấu trúc lại ngân sách cũng là việc làm được nhóm nghiên cứu đưa ra phải cấu trúc lại ngân sách, phần việc này Bộ GD&ĐT sẽ làm. Ví dụ, cấu trúc lại có khoản tăng nào không, hiện nay các đơn vị liên quan đang làm bài toán này.

"Tiếp tục sẽ có lộ trình tăng từ nhóm nào trước, chứ không phải cùng lúc ào ạt tăng lên. Ưu tiên những nhóm giáo viên nào thì sẽ có nghị định hay thông tư quy định chi tiết", nhóm chuyên gia đề nghị.

Theo PGS.TS Hoàng Thị Thuý Nguyệt, Trường Bộ môn Quản lý Tài chính công, Học viện Tài Chính, bội chi và nợ công là vấn đề Quốc hội quan tâm khống chế. Mặc dù, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng ngân sách phải cân đối rất nhiều lĩnh vực từ quốc phòng an ninh đến y tế...Hiện mức chi cho giáo dục là 20%, tương đương 1/5 ngân sách, ngành giáo dục cần giữ vững đồng thời chứng minh cho xã hội thấy được hiệu quả sử dụng ngân sách này. Giải pháp bà Nguyệt đưa ra là chuyển sự đầu tư từ bậc học cao (đại học, cao đẳng, xã hội mang lại lợi ích lớn cho người học) xuống các bậc học cơ sở (như mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).

"Vì sao giáo dục cấp thấp quan trọng? Vì đó là cái nền để xã hội ta phát triển. Không chỉ có tầng lớp học đại học chuyên ngành mới tạo ra xã hội, xã hội phát triển thực chất nằm ở đáy. Đáy đó chính là những người lao động, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, những nông dân, những người mà nếu có học thì sản phẩm của họ sẽ khác, họ sẽ bước vào công nghiệp 4.0 khác. Đó là lý do vì sao quan điểm của chúng tôi là dành tiền từ giáo dục đại học xuống cho giáo dục cơ sở"Tiến sĩ Nguyệt đề xuất.

Cùng với đó là thực hiện công tác tín dụng, học bổng cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo cho người nghèo, người có công, học sinh vùng sâu vùng xa, đẩy mạnh xã hội hoá tại khu vực thành thị và tinh gọn bộ máy giáo dục.