Tem kiểm soát xăng dầu kết nối trực tiếp với cơ quan thuế

(VOH) - Theo ông Phạm Công Lý, Phó trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 (Cục thuế TPHCM), số liệu cây xăng được chuyển thẳng đến tổ kiểm tra bằng phần mềm điện thoại.

Từ ngày 1/8/2017, đoàn liên ngành TPHCM sẽ bắt đầu dán tem 3.700 trụ bơm xăng trên địa bàn TP. Toàn bộ kinh phí dán tem do UBND TP hỗ trợ và các cây xăng không phải mất bất kỳ chi phí gì.

Ông Phạm Công Lý, Phó trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 (Cục thuế TPHCM) trả lời phỏng vấn của VOH. 

VOH: Tại sao phải dán tem vào các cây xăng, thưa ông?

Ông Phạm Công Lý: TPHCM có 3 khu chế xuất và 15 khu công nghiệp, số doanh nghiệp nhiều, dân số đông…dẫn đến nhu cầu sử dụng, tiêu thụ xăng dầu lớn. Tình trạng gian lận về đo lường số lượng, chất lượng, nguồn hàng, cung cấp hóa đơn và các hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối đang ảnh hưởng thu ngân sách Nhà nước.

Vì thế, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong kinh doanh bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn TP. Thông qua việc dán tem, cơ quan thuế quản lý sản lượng bán ra của từng cột đo, từng cửa hàng bán xăng dầu làm căn cứ kê khai nộp thuế, góp phần chống thất thu.

VOH: Đề án này sẽ thực hiện ra sao?

Ông Phạm Công Lý: Cục Thuế đã trình UBND TPHCM phê duyệt nhân sự thành lập Tổ chỉ đạo do Cục trưởng Cục Thuế làm Tổ trưởng và các Tổ phó (Phó Cục trưởng Cục Thuế; Phó Giám đốc Sở Công thương; Phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Phó Chi cục Quản lý Thị trường).

Sau khi có Quyết định thành lập tổ chỉ đạo Cục Thuế sẽ thành lập các Tổ Kiểm tra liên ngành theo từng quận huyện. Theo kế hoạch sẽ tiến hành dán tem từng cụm và chia ra làm 8 đợt.

Những ngày cuối tháng 7/2017, Cục Thuế sẽ dán tem thử nghiệm tại quận 1, 3, 5 sau đó Tổ chỉ đạo sẽ họp rút kinh nghiệm. Đầu tháng 8/2017 sẽ dán tem tại quận huyện còn lại và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2017.

Trước mắt cơ quan thuế chỉ thực hiện dán tem đồng hồ tổng cơ khí, cơ điện. Nguyên nhân là đồng hồ công tơ tổng điện tử có thể xóa được số tổng nên không thể dán tem. Nếu có dán thì không thể quản lý được số liệu.

VOH: Qua làm việc với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để triển khai đề án này, doanh nghiệp có ý kiến gì không, thưa ông?

Ông Phạm Công Lý: Ngày 18/7/2017 Cục Thuế TPHCM tổ chức gặp gỡ 29 doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu để thông báo kế hoạch dán tem.

Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc dán tem cây xăng bởi nhà nước sẽ quản lý được lượng hàng xăng dầu tiêu thụ, hạn chế hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chống thất thu thuế.

Thậm chí, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam còn muốn kết nối với cột bơm thông qua phần mềm để mỗi giao dịch đều được nhà nước quản lý. Dán tem thực ra vẫn là cách thủ công. Song, phải tiến tới kết nối thông minh để cơ quan thuế quản lý được nhất cử nhất động hàng hóa ra vào. 

Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho hay việc dán tem cây xăng để chống thất thu thuế sẽ có lợi cho ngành thuế trong kiểm soát đầu ra để tính thuế. Bản thân doanh nghiệp không bị ảnh hưởng cũng không thấy phiền hà.

VOH: Việc kiểm tra thực hiện đề án sẽ được thực hiện thế nào? Hình thức xử lý ra sao nếu phát hiện sai phạm, thưa ông ?

Ông Phạm Công Lý: Trong quá trình dán tem các Tổ Kiểm tra liên ngành sẽ ghi nhận chỉ số đồng hồ công tơ vào thời điểm dán tem.

Định kỳ 3 tháng hay đột xuất, Tổ Kiểm tra thực hiện ghi nhận chỉ số, đồng thời kiểm tra các vị trí dán tem.

Tùy từng trường hợp thì cơ quan thuế sẽ xử lý theo Điều 107 (khai sai dẫn đến thiếu số phải nộp) hoặc Điều 108 (hành vi trốn thuế, gian lận thuế) theo Luật Quản lý thuế.

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, nếu cơ quan thuế và Sở Công thương phát hiện cây xăng bơm thiếu, phải báo cáo UBND TP có hình thức xử lý thích đáng, nặng nhất là thu hồi giấy phép.