Các chương trình giao lưu quốc tế là gì?
Các chương trình Giao lưu quốc tế và Đối ngoại thanh niên ngày càng đa dạng về hình thức để sinh viên có thể lựa chọn tham gia như tại các trường Đại học, Cao đẳng có các chương trao đổi sinh viên ra nước ngoài, các chương trình học bổng du học, tìm kiếm các nguồn thông tin về các chương trình giao lưu quốc tế tại các group, trang uy tín chuyên về học bổng, du học, giao lưu quốc tế như: Quốc tế Thanh niên, Youth Opportunities, Asia Pacific Youth Service, ASEAN Youth Friendship Network, ….
“Mình nghĩ muốn được đi du học thì khi tham gia các chương trình này sẽ được làm quen với những người bạn quốc tế, đây là cơ hội giúp tiếp xúc tìm hiểu văn hóa chuẩn bị cho những bước nền để không có bỡ ngỡ khi đến học tại đất nước đó” - Bạn Hồng Phúc, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TPHCM chia sẻ.
“Càng dấn thân, mình càng nhận thấy bạn trẻ chúng mình có đầy bản lĩnh, hiểu biết và tự hào của những người trẻ Việt hiếu tri cùng rất nhiều tiềm năng để học hỏi nhiều hơn. Những trải nghiệm trong môi trường quốc tế dù là ngắn hay dài hạn này ít nhiều sẽ hỗ trợ các bạn khi tìm kiếm việc làm trong tương lai, đặc biệt là những môi trường ưu tiên kỹ năng ngoại ngữ, làm việc nhóm, giao tiếp phản biện và xử lý vấn đề.” - Bạn Bình Nhi, Cựu sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế chia sẻ.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Trần Nam – Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TPHCM: “Trải nghiệm không gian văn hóa xã hội sẽ giúp người trẻ hình thành kiến thức, quan niệm, tư duy, các kiến giải, giải pháp hành động và đôi khi là cả những định kiến.
Bước ra thế giới, họ sẽ có dịp trải nghiệm, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, động cơ học tập, cải thiện bản thân để thích nghi với một thế giới mới mẻ và thay đổi không ngừng”.
“Các bạn có vốn hiểu biết sâu sắc hơn từ các nền văn hóa, các bạn có thể trưởng thành hơn, dễ hòa nhập hơn và trưởng thành hơn trong suy nghĩ, mình tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau thì mình sẽ có cái nhìn khác nhau, thoát khỏi lối mòn suy nghĩ và chọn cho mình nhiều con đường đi khác.
Thứ 2, các bạn được học kỹ năng mềm, khi tham gia các bạn sẽ nhận thấy tiếng Anh không phải là tất cả, bạn không cần phải cố nói cho đúng ngữ pháp mà quan trọng là bạn muốn nói cái gì và nói cho họ hiểu là được. Chúng ta cũng được học về sự kiên nhẫn.
Thứ 3, giao lưu quốc tế vừa giúp cải thiện chuyên môn học thuật của các bạn và cả những mối quan hệ xung quanh.” - Bạn Hồng Yến, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TPHCM chia sẻ.
Cách thức tham gia vào các chương trình giao lưu quốc tế
Để đậu vào các chương trình giao lưu quốc tế, các bạn cần phải tìm hiểu kỹ về những yêu cầu của chương trình đó và hơn hết hãy chuẩn bị một CV đẹp, cần thể hiện cho họ thấy được “tính riêng của bạn”, những gì bạn đã làm được, kinh nghiệm,...
Theo chia sẻ của Bình Nhi: “Kiến thức - Kỹ năng - Thái độ là 3 trụ cột mà chúng mình có thể bám sát để chuẩn bị ứng tuyển và tham gia các chương trình giao lưu quốc tế. Nếu chưa biết bản thân thật sự thích thú với lĩnh vực nào hãy thử bắt đầu sở thích, điểm mạnh - điểm yếu của bản thân để dần nhận ra điều gì sẽ thu hút hoặc làm chúng mình trăn trở khi đối diện với nó.
Cuối cùng là giữ cho mình một thái độ đứng đắn, tư duy cầu tiến ham học hỏi và thiện chí sẵn sàng đóng góp sau khi trở về.”
Đã tham gia được hơn 10 chương trình về giao lưu quốc tế, Bình Nhi chia sẻ một vài bí quyết để đậu các chương trình này rằng các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ yêu cầu của chương trình đưa ra và đầu tư cải thiện các kỹ năng bản thân còn thiếu sót. “Nếu cảm thấy hồ sơ của mình còn chưa đủ mạnh và không thể biến nó trở nên thật lộng lẫy với nhiều hoạt động/kinh nghiệm chỉ sau vài ngày, hãy cố gắng đầu tư hết mình cho bài luận vì đây gần như là tiêu chí đánh giá chiếm phần trăm cao nhất trong hồ sơ.
Thư giới thiệu/Giấy xác nhận từ các thầy cô giáo viên/giảng viên/mentor - những người đồng hành thân thiết trong việc học/thực hiện dự án hay đơn giản là những người hiểu bạn nhất có thể giúp những nỗ lực của bạn được ghi nhận một cách chân thực và đặc biệt hơn.
Nếu may mắn chưa gõ cửa, có thể tiếp xúc các anh chị/các bạn là đại biểu chương trình những năm về trước và lắng nghe trải nghiệm thật sự của họ để hiểu thêm về tính chất thật sự của chương trình cũng như hỏi xin các góp ý, nhận xét để hoàn thiện hồ sơ cho lần ứng tuyển tới.”
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thư (du học sinh Phần Lan) chia sẻ để có thể ứng tuyển cho chương trình giao lưu quốc tế, ngoài hộ chiếu, cần có một bảng điểm “đẹp”, chuẩn bị về ngôn ngữ, các kiến thức xã hội để trao đổi về các dự án cộng đồng và đặc biệt là kỹ năng mềm để có thể giao lưu cùng bạn bè quốc tế.
Các chương trình trao đổi văn hóa, giao lưu sinh viên quốc tế thường nhận được rất nhiều hồ sơ đăng ký. Để giúp cho hồ sơ của mình trở nên nổi bật, bản lý lịch cần được chuẩn bị cẩn thận, chỉn chu, chứng minh được cho nhà trường/ ban tổ chức thấy bạn có sự chuẩn bị đầy đủ và mục tiêu rõ ràng cho hoạt động trao đổi hay hoạt động mà bạn quan tâm.
Các bạn trẻ ngày càng có nhiều cơ hội rộng mở để được học tập, phát triển và thử sức trong môi trường quốc tế.
Ở các chương trình giao lưu quốc tế bạn tham gia không chỉ tìm hiểu về văn hóa nước bạn, đó là cơ hội các bạn quảng bá những nét văn hóa của nước ta, hình ảnh của thanh niên Việt Nam sẵn sàng học hỏi, phát triển và kết nối.