Thí sinh cảm thấy “vừa sức” với đề thi ngữ văn

(VOH) - Sáng 22/6, hơn 860.000 thí sinh cả nước chính thức bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017 với 2 môn Ngữ Văn và Toán.

Tại nhiều điểm thi, các thí sinh tỏ ra phấn khởi với môn thi đầu tiên vì vừa sức, không quá khó.

TTO đưa tin, tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM, nhiều thí sinh ra sớm hơn thời gian quy định, vẻ vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt. Phạm Minh Đăng (THPT Lê Quý Đôn) cho biết: "Em thấy đề thi văn năm nay khá dễ, vừa sức, đúng với những gì Bộ GD- ĐT đã đưa ra. Trong đó, em tâm đắc nhất là câu 1 và câu 2.

Ảnh minh họa: TTO 

Phần nghị luận xã hội nói về sự thấu cảm. Dường như các định nghĩa đều được mớm sẵn trên đề nên chỉ cần một tí tư duy và kỹ năng viết thì có thể dễ dàng lấy điểm. Phần văn bản là trình bày quan điểm về đất nước qua bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm. Với học lực khá thì em nghĩ sẽ dễ dàng lấy được 6 điểm ở môn này". 

Trần Minh Thư (THPT Lê Quý Đôn) cũng cho rằng "đề văn năm nay dễ, hầu như giáo viên đều ôn trúng hết. Em thích nhất là câu 1 và câu 2, gần như câu 1 là câu trả lời cho câu 2 nên tụi em rất dễ làm bài".

Thí sinh Dương Uyên Phương, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Quận Thủ Đức chia sẻ: “Đề văn năm nay em thấy khá dễ, phần 2 của bài văn nghị luận, bình luận và cảm nhận về đất nước, thì trong quá trình học đã học rồi và cô giáo cũng đã giảng qua.

So với năm trước, em thấy đề văn năm nay khá dễ thở hơn. Em nghĩ đề dễ vậy sẽ chấm thi khó hơn. Tụi em đã được ôn tập kỹ nên cũng làm bài khá tốt, khoảng 70% mong đợi.”

 Thí sinh phấn khởi sau khi làm bài thi môn Ngữ Văn

Thí sinh Nguyễn Phú Duy Hưng, lớp 12A7, Trường THPT Trưng Vương cho rằng đề thi phân hoá khá đều.

“Ai cũng có thể làm được nhưng phần giỏi thì các bạn học bài sẽ viết được nhiều hơn, điểm cao hơn. Nghị luận xã hội năm nay nói về sự thấu cảm của bản thân với mọi người xung quanh.

Thấu cảm cho mình thấu hiểu mọi người thế nào, hiểu được cách người khác suy nghĩ như thế nào. Khi viết về câu nghị luận xã hội em cảm thấy như đang viết về chính mình". 

Cô giáo Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT Trưng Vương, cho rằng đề Ngữ Văn năm nay khá hay, học sinh làm bài tốt với đề thi này.

"Phần đọc hiểu đoạn dữ liệu rất hay, các câu hỏi có sự phân hoá rõ ràng, từ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng và vận dụng cao nên học sinh trung bình có kiến thức cơ bản cũng có thể làm được 2/3. Nghị luận văn học đúng là một lợi thế cho học sinh trung bình.

Đề trích văn bản luôn, học sinh có kiến thức cơ bản về tác phẩm là đã làm tốt một phần. Riêng phần bình luận về quan niệm đất nước của nhà thơ, học sinh khá giỏi sẽ phân hoá rất rõ”.

Theo thầy giáo Phạm Hồng Danh, Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, bài Đất nước trong phần làm văn đã được ra vài lần trong các kỳ thi tốt nghiệp và đại học trước đây. Thầy Danh cho biết: “Đề thi Ngữ văn năm nay học sinh sẽ thở phào nhẹ nhõm khi rời phòng thi. Bởi vì vấn đề nghị luận cũng không lạ.

Phần làm văn lại rất quen thuộc, nên đa số các em sẽ cảm thấy hình như mình ‘trúng tủ”.

Tuy nhiên, với cả 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng, một số giáo viên lo ngại đề thi không đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh.

Một giáo viên lâu năm của trường THPT uy tín của thành phố nêu quan điểm: " Thực ra trong văn chương, đề thi chỉ một phần và cách chấm là một phần khác. Không biết trong đáp án, sẽ yêu cầu thang điểm như thế nào nhưng căn cứ vào đề mình thấy nó không có gì "ghê gớm".

Tất nhiên, một kỳ thi đại trà, người ta vẫn hướng về mẫu chung nào đó cho đại đa số. Nhưng giả sử các bạn xét tuyển vào khối C khối D, lấy môn Văn tuyển sinh thì nó lại đơn giản quá, cần có mức độ khó hơn một chút".

Buổi chiều thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán. Năm nay là năm đầu tiên bài thi làm với hình thức trách nghiệm, trong thời gian 90 phút.

Đề thi môn ngữ văn.  

Bài giải gợi ý đề văn THPT Quốc gia 2017

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là nghị luận

Câu 2:

Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ để có sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn khiến người thấu cảm hiểu được những suy nghĩ của người khác, cảm được những cảm xúc của người khác, tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.

Câu 3:

Hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích là những biểu hiện sống động của sự thấu cảm, nói lên sự cảm thông, ý muốn sẻ chia của họ trước nỗi buồn, nỗi đau của người khác.

Câu 4:

Em rất đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Bởi vì khi có sự thấu cảm, người ta dễ dàng có sự quan tâm, cảm thông cũng như có ý muốn chung vui, sẻ chia nỗi buồn của người khác (một trong những biểu hiện của lòng trắc ẩn).

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Yêu cầu chung

- Đảm bảo đúng yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

- Câu này kiểm tra năng lực viết một đoạn văn nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải kết hợp được những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc thể hiện bố cục hoàn chỉnh của một bài văn nghị luận (có đủ mở bài, thân bài, kết bài; thân bài phải bao gồm nhiều đoạn văn), cách hành văn, chính xác và sinh động. Đồng thời phải đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu về luận đề và nội dung.

- Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

(Theo TTO)

Lịch thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: TNO