Thi tốt nghiệp THPT 2024: Đề thi Khoa học tự nhiên vừa sức học sinh

VOH - Đề thi Khoa học tự nhiên với các môn thành phần Lý - Hoá - Sinh được giáo viên và học sinh đánh giá vừa sức nhưng đáp ứng tốt yêu cầu phân hoá để có thể xét tuyển đại học.

Thí sinh Đào Duy Khôi, trường THPT Lê Quý Đôn chọn xét tuyển đại học theo tổ hợp A1 Toán - Lý - Anh. Với bài thi Khoa học tự nhiên, 2 môn Hóa học - Sinh học, Khôi làm khoảng 6 điểm, riêng môn Vật lý Khôi có thể đạt 8 điểm, tuy nhiên số điểm này thấp hơn mong đợi.

Khôi chia sẻ: “Đề không quá khó nhưng có mức độ vận dụng khá cao nên em nghĩ chắc em đạt từ 6 đến 7 điểm. Riêng phần Vật lý, em thấy những câu cuối thực sự rất khó, giành cho những bạn giỏi. Phần Hoá, em làm vừa đủ để tốt nghiệp. Em không làm được những câu vận dụng cao vì đề khá dài và khó.

Ở môn Sinh, những câu cuối phải vận dụng rất nhiều kiến thức trong quá trình học cũng như những kiến thức nâng cao. Em nghĩ đó cũng là những câu phân hoá giữa những bạn giỏi và những bạn học khá”.

thi-tot-nghiep-280624-3
Đề thi Khoa học tự nhiên được đánh giá là vừa sức học sinh - Ảnh: Diễm Kiều

Nhận xét đề Vật lý trong bài thi tổ hợp sáng nay, giáo viên Phạm Văn Lục, Tổ trưởng bộ môn trường THPT Nguyễn Trung Trực, Quận Gò Vấp cho rằng, đề chuẩn, giữ ổn định như các năm, đúng ma trận đề mẫu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó.

Đề chia thành 3 phần, gồm 30 câu đầu, học sinh trung bình khá có thể làm được để đạt mức 6,5 điểm đến 7 điểm. Từ câu 31 đến câu 36, dành cho học sinh giỏi để có thể đạt từ 8 đến 9 điểm. Riêng 4 câu cuối, tính phân loại rất cao.

Thầy Phạm Văn Lục khẳng định: “Những câu cuối tính phân loại rất cao. Học sinh xuất sắc, trường chuyên hoặc những thí sinh giỏi thực sự mới có thể xử lý được. Bởi vì, đề đòi hỏi mức độ kiến thức tổng hợp, các kỹ năng về Vật lý, tính toán rất cao. Thí sinh thực sự xuất sắc mới xử lý được”.

Đề thi Hóa học được nhận xét là dễ hơn, giữ cấu trúc và mức độ phân hóa tương đối ổn định và không nhiều biến động.

Trong 21 câu đầu tiên, tất cả lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ yếu chương trình lớp 12. Từ câu thứ 25 trở đi là các bài tập cơ bản phân hoá dần từ thấp đến cao. Độ phân hóa cao nhất nằm ở 7- 8 câu cuối gồm các câu lý thuyết tổng hợp và bài toán hoá học.

Theo giáo viên Hóa học Phạm Lê Thanh, trường THPT Nguyễn Hiền (Quận 11), với đề thi này học sinh trung bình, khá dễ đạt được 6 đến 7,5 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt từ 8 đến 8,75 và học sinh xuất sắc nắm chắc chắn kiến thức cả 3 năm mới đạt trên 9 điểm. Nhìn chung mức độ phân hóa của đề khá tốt, đảm bảo mục tiêu kỳ thi 2 trong 1.

Giáo viên này cho biết: “Những câu phân hoá, vận dung cao cũng mở ra hướng thay đổi dạy và học. Giáo viên và học sinh phải tiếp cận những phương pháp dạy và học để tăng năng lực và phẩm chất của học sinh. Nhằm phục vụ đề thi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm sau. Đây là nền tảng để việc dạy và học môn Hóa cũng như các môn học khác đáp ứng được yêu cầu”.

Tương tự, đề Sinh học phân hoá khá rõ ràng nhưng không đánh đố học sinh. Tổ trưởng tổ bộ môn Sinh Nguyễn Thị Tố Vân, trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) cho rằng, từ câu 1 đến câu 30 đề ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, dành cho học sinh sức học trung bình, trung bình – khá.

Từ câu 31 đến 40 là những câu vận dụng cao, giành cho học sinh giỏi, học sinh thi khối B hoặc các khối ngành sức khoẻ. Ngoài ra đề có 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 nhưng ở mức độ không khó. Đặc biệt, đề có đến 12 câu thuộc phần sinh thái.

Giáo viên này phân tích thêm: “Năm nào đề Sinh cũng dài vì theo mô típ ra đề không thuộc lòng mà ứng dụng. Như vậy, đề phải dẫn một tình huống thực tế rồi đặt câu hỏi. Nếu không quen, học sinh khó hoàn thành tốt. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng với những câu vận dụng cao, cụ thể là 10 câu cuối trong đề Sinh năm nay”.

Bình luận