Thiết kế chương trình Giáo dục mầm non mới phải phù hợp với thực tế

(VOH) - Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng nhưng thiết kế chương trình Giáo dục mầm non mới phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại VN.

Hiện nay, chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%), trong đó có 5.255.889 trẻ (99%) học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non. 

Chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm” của trẻ, tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là chất lượng đội ngũ và công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ và tài liệu nguồn cho giáo viên; một số yếu tố vẫn cần được quan tâm để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, như: chế độ chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; số trẻ/lớp; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.

Thiết kế chương trình Giáo dục mầm non mới phải phù hợp với thực tế 1
Ảnh minh họa: Tuyết Nhung

Đầu tư cho giáo dục mầm non sẽ giúp tăng cường số lượng học sinh tốt nghiệp THPT

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào chiều 17/10 đã ghi nhận ý kiến trao đổi, báo cáo về kinh nghiệm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam từ các chuyên gia của Ngân hàng thế giới.

Với tầm quan trọng của bậc học nền tảng, có vai trò quyết định trong hình thành nhân cách, thể chất của con người, với những thách thức khi triển khai xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ trưởng mong rằng, sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến từ Hội thảo, qua đó có được những định hướng đúng đắn về xây dựng chương trình, tránh được nhiều nhất những sai lầm. Đảm bảo, chương trình vừa tiếp thu được kinh nghiệm của thế giới, khoa học của giáo dục mầm non, vừa phù hợp với thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam.

Trao đổi tại hội thảo, Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Christophe Lemiere đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phát triển chỉ số vốn con người, giảm bớt sự mất công bằng, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Đối với bậc học mầm non, theo Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc đầu tư cho giáo dục mầm non sẽ giúp tăng cường số lượng học sinh tốt nghiệp THPT ở Việt Nam.

Thiết kế chương trình Giáo dục mầm non mới phải phù hợp với thực tế

Cho rằng, học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng, song Bộ trưởng cũng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam, về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên... Cần có sự phân tích kỹ những đối tượng sẽ chuyển hóa, thực thi chương trình này trong thực tế, với bối cảnh một vài năm tới chưa có sự thay đổi đáng kể nào so với hiện nay.

Bộ trưởng gợi mở một số nguyên tắc khi xây dựng chương trình như tính kế thừa chương trình cũ, lấy nền tảng khoa học tâm lý học, trong đó nhấn mạnh đặc thù lứa tuổi. Bộ trưởng cũng đề nghị nhóm chuyên môn xem xét thật thấu đáo cách tiếp cận năng lực phù hợp với giáo dục mầm non, bởi nếu không thận trọng sẽ lấy cách tiếp cận phổ thông cho bậc học này. Thống nhất với mục tiêu chung là nhằm phát triển con người toàn diện, song Bộ trưởng cho rằng, cần định hướng các giá trị ở bậc học mầm non theo hướng giản dị, trong đó, định hướng đầu tiên là sự lương thiện của con người.

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” được xem là một trong những hoạt động quan trọng để chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.