Thoát hiểm đúng cách khi xảy ra động đất

(VOH) - Nếu bạn nghĩ rằng động đất sẽ không bao giờ xảy ra tại Việt Nam thì hãy suy nghĩ lại vì theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) thì tuy chưa ghi nhận những trận động đất gây hậu quả thảm khốc song Việt Nam nằm trong các đới đứt gãy lớn, có khả năng xuất hiện động đất mạnh nhất lên tới 7 độ richter.

Do đó, những kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra động đất sẽ vô cùng hữu ích nếu một ngày nào đó động đất xảy ra tại Việt Nam.

Đây là thảm họa thiên nhiên tương đối nguy hiểm và nếu hoảng loạn, bạn rất có thể thoát hiểm sai cách.

>>>> Xem Video Clip hướng dẫn an toàn khi xảy ra động đất

Hậu quả một trận động đất ở Makishi, Nhật Bản tháng 4/2016. Ảnh: CNN

Khi xảy ra động đất, nếu bạn đang ở trong nhà:

- Chui xuống gầm bàn/gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu chẳng may nhà sập thì vẫn có không khí để thở.

- Dùng tay ôm lấy mặt và đầu hoặc dùng các vật dụng có thể che được phần đầu

- Ngồi vào góc phòng và tránh xa các cửa kính

- Không chạy ra khỏi phòng khi vẫn đang có chấn động

- Khi hết chấn động thì, tắt cầu dao điện và khóa van bình gas.

- Di chuyển ra ngoài bằng cầu thang bộ (tuyệt đối không dùng thang máy)

- Nếu trời tối, dùng đèn pin để soi đường (tránh dùng đến vì dễ xảy ra hỏa hoạn).

Cần tắt cầu dao điện và khóa van bình gas khi hết chấn động nếu đang ở nhà.

Nếu đang ở ngoài đường

- Dừng xe ở lề đường, lánh nạn ở những bãi đất trống

- Tránh xa: tòa nhà cao tầng, tường cao, gầm cầu, pano quảng cáo, đường dây điện, cột điện,...

- Nếu đang ở trong sân vận động hay rạp hát: Cần ngồi yên cho đến khi hết chấn động mới di chuyển ra ngoài theo trật tự.

- Nếu đang ở gần bờ biển khi có động đất xảy ra thì cần phải đề phòng sóng thần.

Nếu được thông báo trước sẽ có động đất xảy ra

- Ngắt cầu dao điện và khóa van bình gas

- Dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, radio, dụng cụ y tế,...

- Gắn chặt những vật dụng dễ ngã đổ vào tường để tránh bị lung lay, rơi xuống đất gây thương tích.

- Không đặt các vật nặng lên giá cao

- Không đặt giường ngủ sát cửa kính

- Các vật nặng như kệ sách, tủ,... không đặt gần cửa ra vào để khi ngã đổ không bị chắn lối thoát ra.

- Cần nắm vững các lối thoát hiểm khi ở chung cư, nhà cao tầng

- Theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ.

- Lưu số điện thoại khẩn của cấp cứu, phòng cháy chữa cháy và các cơ quan chức năng khác để gọi yêu cầu giúp đỡ khi cần (114, 115,...).

Gắn chặt những vật dụng dễ ngã đổ vào tường để tránh bị lung lay, rơi xuống đất gây thương tích.

* Năm 1935, Việt Nam ghi nhận 1 trận động đất lớn 6,75 độ richter ở Điện Biên, trên đới đứt gãy sông Mã và năm 1983, 1 trận động đất 6,8 độ richter xảy ra ở Tuần Giáo nằm trên đới đứt gãy Sơn La. Hai trận động đất này đều không gây ra hậu quả nặng nề vì thời điểm đó, khu vực này dân cư còn thưa thớt, nhà cửa chủ yếu làm bằng gỗ, vách đất, chưa có công trình cao tầng lớn.

Năm 1923, vùng ngoài khơi Nam Trung bộ, cũng có 1 trận động đất 6,1 độ richter (thuộc ở vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết).

Ngày 26/1/2011, một trận động đất có độ lớn M=4,7 xảy ra ngoài khơi, cách thành phố Phan Thiết 113km, cách TPHCM 200km, động đất gây nên rung động cấp 5 (theo thang MSk-64) ở khu vực Vũng Tàu và lân cận.

Ngày 25/5/2011, trận động đất có độ lớn M=3,8 xảy ra tại khu vực Lào Cai, gần biên giới Việt Nam-Trung Quốc, động đất gây nên rung động cấp 5 ở khu vực Lào Cai và lân cận.

Ngày 7/11/2011, trân động đất có độ lớn M=3,5 xảy ra tại khu vực Thanh Hóa, động đất gây nên rung động cấp 4 ở khu vực Vĩnh Lộc-Thanh Hóa.

Từ đầu tháng 11/2011, ở khu vực huyện Bắc Trà My tình Quảng Nam đã xảy râ một số trận động đất: ngày 3/11 xảy ra động đất với độ lớn M=1,9, ngày 16/11 xảy ra động đất với độ lớn M=2,7, ngày 17/11 xảy ra động đất với độ lớn M=3,3, ngày 26/11 xảy ra động đất có độ lớn M=2,1.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long khả năng xảy ra động đất ít hơn, vì địa chất ổn định, nằm xa những vùng kiến tạo lớn của Việt Nam. Còn khu vực đồng bằng sông Hồng khả năng xảy ra động đất cao, vì nằm trên những đới đứt gãy đang hoạt động gồm đới đứt gãy sông Hồng, sông Lô và sông Chảy. Nhưng khó có thể xảy ra những trận động đất dữ dội như vùng Tây Bắc. Động đất mạnh nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng có thể gây rung chấn trên bề mặt ở cấp 8 (thang quốc tế chia 12 cấp). Đây cũng là mức rung chấn lớn, có thể gây ra thiệt hại nặng nên không thể chủ quan.