Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thí sinh ảo vì các trường chưa tận dụng triệt để CSDL của Bộ

(VOH) - Một hiện tượng chưa từng có trong các đợt tuyển sinh ĐH-CĐ từ trước đến nay, đó là hàng loạt trường đại học lớn trên cả nước không thể gọi đủ số thí sinh trúng tuyển nhập học, dù nhiều trường đã tận dụng nhiều biện pháp như: gọi vượt chỉ tiêu, gọi điện thoại nhắc từng thí sinh nhập học…Nếu như các năm trước, hầu hết các trường lớn đều tuyển đủ thí sinh ngay đợt xét tuyển đầu tiên, thì nay đa số các trường phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung, có trường phải hạ điểm nhận hồ sơ so với đợt 1.


Thí sinh ảo - Các trường chưa tận dụng triệt để cơ sỡ dữ liệu của Bộ.

Chuyện gì đang xảy ra, thí sinh đang ở đâu, liệu cơ sở dữ liệu của Bộ có đáng tin cậy...là những vấn đề nóng mà các trường đang đặt ra, khi ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nguồn tuyển còn ít ỏi, tình trạng ảo lại quá lớn. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã giải đáp những vấn đề này qua trao đổi với PV Đài.

VOH: Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa rồi, nhiều trường ĐH tốp đầu về y dược, ngoại thương, sư phạm…gọi không đủ thí sinh nhập học, buộc phải tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Nhiều trường còn phải hạ điểm nhận hồ sơ đợt này xuống đến vài điểm. Điều này gần như chưa từng xảy ra trước đây. Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Phương án tuyển sinh năm 2016, cho phép thí sinh nộp vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng ở Đợt 1. Vì vậy, có thể các em trúng tuyển cùng lúc 2 trường. Cho nên những em điểm cao trúng tuyển nhưng không nhập học vào trường, có thể các em đã trúng tuyển một nguyện vọng khác mà phù hợp với các em hơn.

Còn thí sinh điểm thấp mà trúng tuyển vào những ngành mà các em không phải ưu tiên lựa chọn, cho nên các em chờ nộp nguyện vọng bổ sung hoặc học lại, sang năm thì vào ngành mình yêu thích. Vì “ảo” nhiều như vậy nên các trường mặc dù đã có sự tính toán nhưng cũng không thể tính toán chính xác hoàn toàn được. Cho nên khi các trường gọi có một hệ số dư dôi nhất định, nhưng cũng chưa đáp ứng được hết số thí sinh ảo vào trường khác.

Mặt khác, trong những trường có sức thu hút cao không phải tất cả các ngành đều có sức thu hút thí sinh. Cho nên, ngay trong đợt đầu tiên, trường khó có thể điền đủ chỉ tiêu tổng thể của trường được. Trước đây, khi thi 3 chung, các trường thường lấy điểm trúng tuyển cho đủ chỉ tiêu, sau đó mới phân bổ thí sinh vào các ngành cho thí sinh chọn lại. Như vậy, trường có thể đủ chỉ tiêu, nhưng thí sinh có thể học ngành mình không yêu thích.

Còn với quy chế hiện nay, chúng ta giao quyền cho thí sinh được chọn ngành/trường yêu thích, quyết định nhập học. Vì vậy, nếu thí sinh thấy ngành không phù hợp thì không nộp giấy chứng nhận kết quả thi.

VOH: Có nhiều ý kiến các trường cho rằng, việc tuyển không đủ chỉ tiêu chính là do phương thức xét tuyển năm nay tạo nên tình trạng thí sinh ảo lớn, gây khó khăn cho các trường trong việc kiểm soát nguồn tuyển. Mặc dù trước đó, Bộ khẳng định là đủ nguồn tuyển cho các trường. Ông giải thích vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Phương án tuyển sinh năm nay có ảo, tất cả các trường đều biết. Bởi vì khi đưa ra thảo luận phương án tuyển sinh năm nay, Bộ đã thảo luận kỹ với các trường. Tất nhiên, chúng ta có nhiều giải pháp hạn chế, giảm thiểu ảnh hưởng của ảo mà Bộ đã đề xuất cho các trường như: xét tuyển chung cho cả nước, thành lập các nhóm trường xét tuyển chung ở các khu vực. Thế nhưng, các trường không ủng hộ giải pháp này mà muốn tự trường mình xử lý vấn đề tuyển sinh của trường. Vì vậy, các trường phải chấp nhận một tỷ lệ ảo nhất định.

Còn về nguồn tuyển, năm nay Bộ thống kê rất chi tiết. Nguồn tuyển dư so với chỉ tiêu tổng thể của các trường xét tuyển qua kỳ thi THPT Quốc gia. Chúng ta xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 15 điểm, hệ số dư dôi khoảng 27%. Vừa rồi, số thí sinh nộp đơn xét tuyển nguyện vọng 1 lên đến 390.000, có nghĩa là nguồn tuyển vẫn còn dư.

VOH: Ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, ông có lưu ý gì đối với các trường trong việc chống ảo, khi ở đợt này mỗi thí sinh có đến 6 nguyện vọng và đăng ký vào 3 trường?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ở đợt 1 xét tuyển, Bộ đã hỗ trợ các trường cơ sở dữ liệu để các trường phân tích để lọc ảo. Cơ sở dữ liệu mà các trường tải về từng đợt, Bộ cung cấp toàn cảnh danh sách thí sinh, các nguyện vọng đăng ký. Các trường dựa trên dữ liệu đó để biết chắc chắn em nào trúng tuyển sẽ học trường mình, hoặc thí sinh nào trúng tuyển nhưng học trường khác…để phán đoán tỷ lệ ảo, gọi thí sinh với tỷ lệ dư dôi phù hợp.

Ở đợt vừa rồi, có một số trường làm tốt cho nên kết quả gọi thí sinh gần như là đủ chỉ tiêu. Nhưng một số trường cũng không quan tâm mấy đến dữ liệu mà Bộ cung cấp, gọi thí sinh trúng tuyển áng chừng nên bị thiếu hụt.

Vì vậy, ở đợt xét tuyển bổ sung này, số lượng thí sinh không còn nhiều, đợt 1 đã có trên 200.000 thí sinh trúng tuyển, đợt này chỉ còn khoảng 100.000 thí sinh mà phân bổ ở rất nhiều trường, nên số lượng thí sinh không còn nhiều như ở đợt 1 nữa. Vì vậy, các trường cần phân tích chi tiết hơn dữ liệu công bố cuối đợt xét tuyển này, để quyết định tỷ lệ thí sinh ảo, gọi thí sinh trúng tuyển với tỷ lệ dư dôi phù hợp.

VOH: Kết thúc các đợt xét tuyển, cũng là lúc chúng ta phải chuẩn bị cho phương án tuyển sinh năm 2017. Theo ông, trong năm tới, chính sách tuyển sinh phải được điều chỉnh như thế nào, việc giao quyền tự chủ trong tuyển sinh đối với các trường như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay Bộ đã yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 và các năm tiếp theo. Bộ đã lập tổ công tác để xem xét, nghiên cứu và phân tích các trường, Sở đề xuất lên.

Trên cơ sở phân tích các phương án này, cộng với kinh nghiệm đổi mới tuyển sinh hai năm qua để lựa chọn phương án phù hợp nhất.

Phương án đó trước hết phải dựa vào Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, nghĩa là giao quyền tự chủ cho các Sở, địa phương, các trường trong việc thi, tuyển sinh và xét tuyển ĐH-CĐ. Phương án cụ thể ra sao, Bộ đang nghiên cứu để chọn phương án tối ưu nhất để đầu năm học 2016 – 2017 này sẽ công bố sớm để thí sinh biết và chuẩn bị thi THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ cho năm 2017.

VOH:  Cảm ơn ông!