Triển khai chuyên đề, các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian mang tính mở, tạo được bầu không khí thân thiện ấm áp trong các cơ sở giáo dục. Qua các hoạt động, trẻ giao tiếp mạnh dạn, tự tin hơn, giáo viên nhận thức sâu sắc và có sự thay đổi trong tổ chức các hoạt động cho trẻ. Trong đó, giáo viên là người hướng dẫn, hỗ trợ chứ không làm thay trẻ, coi trọng quá trình hơn kết quả hoạt động của trẻ.
Sau 5 năm, 100% các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn Thành phố tham gia thực hiện chuyên đề. Trong đó, thực hiện điểm cấp thành phố là 77 mô hình, cấp quận-huyện là 154 mô hình.
Giờ học của trẻ mầm non trường Măng Non 1 quận 10.
Quá trình thực hiện chuyên đề còn góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều trường mầm non. Các cơ sở đã đã thực hiện hiệu quả việc cải tạo diện tích sân chơi với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng. Bên cạnh, các cơ sở mầm non đã nhận được trên 40 tỷ đồng nguồn xã hội hoá từ phụ huynh ủng hộ xây dựng chương trình. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp một số trở ngại như: lực lượng giáo viên ngoài công lập thường xuyên biến động, sĩ số lớp quá đông ảnh hưởng đến việc đánh giá phát triển từng trẻ...
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non yêu cầu: “Trong 5 năm qua, TPHCM đã phát triển tốt trong việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đẩy được chất lượng giáo dục mầm non, trẻ ngày một phát triển toàn diện. Tiếp tục làm sao đồng bộ từ nhóm lớp đến trường ngoài công lập, công lập đẩy mạnh trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trong giai đoạn tiếp theo."