TPHCM kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện

(VOH) - Để thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện, thành phố cần có một số chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giá mua/bán điện, nguồn vốn, thuế.

Đây là vấn đề doanh nghiệp đặt ra tại Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt-phát điện do UBND TPHCM tổ chức sáng 26/11 với sự tham dự của đại diện 18 tỉnh, thành phía Nam. 

TPHCM hiện có hơn 8.000 tấn/ngày rác thải sinh hoạt, chưa kể rác thải công nghiệp và y tế. Với tốc độ phát triển kinh tế TP và tốc độ tăng cơ học về dân số, lượng rác thải cần dự báo cẩn thận kể cả rác thải công nghiệp, rác thải y tế.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TPHCM, Thành phố đặt ra mục tiêu xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50% vào năm 2020, đến năm 2025 tối đa là 20%, triển khai các giải pháp đồng bộ trong duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp chất thải sau khi ngưng tiếp nhận, khuyến khích xã hội hóa việc tái chế và sản xuất điện năng từ các bãi chất thải đã được chôn lấp trong các năm qua và ưu tiên các giải pháp tái sử dụng bãi chôn lấp đã đóng bãi phục vụ lợi ích cộng đồng.

Dự báo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng 5%/năm đến 2020 là hơn 10.000 tấn/ngày, đến 2025 là gần 13.000 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp tăng 6%/năm, đến 2020 là gần 1.900 tấn/ngày và đến 2025 là gần 2.500 tấn/ngày; chất thải nguy hại tăng 8%/năm, đến 2020 là gần 550 tấn/ngày và đến 2025 là hơn 800 tấn/ngày. Chất thải rắn y tế tăng 10%/năm, đến 2020 là 30 tấn/ngày và đến năm 2025 là hơn 50 tấn/ngày.

Dựa vào việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang công nghệ đốt rác-phát điện của các nhà máy hiện hữu và các dự án đầu tư mới trong thời gian tới, nguồn năng lượng tái tạo (điện năng) thu được từ công nghệ xử lý chất thải rắn của thành phố dự kiến đạt được trên 200 MW đến năm 2030.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp giới thiệu các công nghệ đốt phát điện. 

Nhà đầu tư nước ngoài trình bày dự án của mình

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - Phạm Huy Đông, hoan nghênh cách làm sáng tạo thành phố, tránh tình trạng ai cũng nói hay, lấy xong giấy phép rồi làm gì làm, tiền mất mà môi trường vẫn ô nhiễm. Trong hội nghị có các công nghệ như đốt sinh khối, khí hóa, mỗi công nghệ đều có mặt hay và hạn chế nhất định.

Ông Đông đề nghị trong tiêu chí cần làm rõ các hiệu suất xử lý từ rác thành điện: “Theo quan điểm là sau khi đấu thầu, nhà đầu tư nếu tự tin công nghệ của mình thì hãy chạy thử từ 3-6 tháng với công suất 1.000-2.000 tấn cho đến khi các cơ quan quản lý nhà nước đo kiểm đúng theo cam kết trong hợp đồng đề xuất thì mới ký hợp đồng dài hạn, nếu không đáp ứng yêu cầu thì để cơ hội cho công nghệ khác. Đây là cách làm minh bạch, tránh tình trạng chạy được giấy, ký hợp đồng 20-30 năm xong rồi đứng đó không có cơ hội cho các công nghệ tốt vào”.

Hiện nay, trên thế giới có đầy đủ công nghệ có thể giải quyết vấn đề rác. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định: TPHCM và các tỉnh thành khác của Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ tốt nhất thế giới. Xu hướng hiện nay, rất nhiều lĩnh vực nhà nước không cần nhà nước đầu tư, mà chỉ trả phí dịch vụ thôi.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong dự Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt-phát điện

Dẫn chứng về điều này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay: “Chúng ta hình dung nếu có khoảng 100 tỷ ngân sách để đầu tư, nhưng biến thành trả phí dịch vụ, mỗi dự án họ có 20 năm, như vậy, nhà nước chỉ trả 5% giá trị đầu tư hàng năm. 100 tỷ đồng đó, thay vì đầu tư, trả thành dịch vụ, thì sẽ tương đương 500 tỷ đồng đầu tư để giải quyết việc đó. Vấn đề này thuộc về doanh nghiệp. Quản lý nhà nước chúng ta phải chuyển dần thành nhà nước đầu tư sang nhà nước trả dịch vụ, còn xã hội đầu tư. Như vậy tốc độ huy động vốn có thể 5-10 lần cao hơn trước đó”.

Đến thời điểm hiện nay, TPHCM đã tiếp nhận nội dung đề xuất đầu tư xử lý rác phát điện của 40 nhà đầu tư. Các doanh nghiệp đã giới thiệu nhiều giải pháp thu hồi năng lượng từ rác thải để phát điện và được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới như đốt phát điện, khí hóa phát điện, khí hóa bằng dòng plasma để phát điện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Sau hội nghị, UBND TP sẽ nhanh chóng chỉ đạo quyết liệt, chuẩn bị đầy đủ các thủ tục kêu gọi dự án đầu tư, thông báo và công bố các quy trình, tiêu chuẩn xét chọn dự án, các chính sách ưu đãi, chương trình kích cầu, hỗ trợ các nhà đầu tư… TP sẽ giao cho các sở ngành chức năng chú trọng và nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư đăng ký thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư đã được đề xuất”

Đối với xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, Chủ tịch TP cũng đề nghị các nhà máy đang hoạt động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ, cung cấp cho thành phố những nhà máy xử lý rác hiện đại, đạt chuẩn.

Bình luận