Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM tại Hội nghị Tuyên dương Điển hình tiên tiến ngành Giáo dục TPHCM giai đoạn 2015-2019 diễn ra sáng nay 19/11.
TPHCM hiện có hơn 85.000 giáo viên, cán bộ, nhân viên đang công tác tại các đơn vị giáo dục và đào tạo. Thời gian qua đội ngũ nhà giáo luôn gương mẫu, nỗ lực đổi mới hết mình thực hiện sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ trước yêu cầu hội nhập.
Những công dân thành phố tương lai phải biết ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, sáng tạo, có kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi, tham gia nghiên cứu khoa học, biết đấu tranh với cái xấu và bảo vệ lẽ phải, có trách nhiệm với bản thân gia đình và xã hội...
Vì vậy, mỗi nhà giáo luôn tích cực đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu của xã hội. Giáo viên Trần Thị Thanh Nhặn, Trường THPT Võ Thị Sáu bộc bạch: “Mình nghĩ rằng mỗi ngày mình phải tiếp tục tìm tòi, học tập nhiều hơn nữa để nâng cao trình độ chuyên môn và phải luôn luôn đổi mới từng ngày theo hướng phát huy tính tích cực và năng động của học sinh".
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, để xứng tầm với sự phát triển kinh tế xã hội của một thành phố năng động, thực sự trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước và vươn tầm tới các nước tiên tiến trong khu vực, thành phố rất cần sự nỗ lực của chính mỗi nhà giáo.
Thành phố đang xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ giáo viên toàn ngành theo tiến độ quy trình trong 5 năm tới trong đó, không chỉ những nội dung cần thiết theo yêu cầu chung của trung ương mà còn bổ sung những chuyên đề riêng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế của thành phố.
Ông Lê Hồng Sơn khẳng định: "Chính đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo là những chiến sĩ trực tiếp, quyết định thắng lợi công cuộc đổi mới và tiếp nối quá trình phát triển giáo dục đào tạo của Thành phố. Dù khối lượng công việc rất lớn, thử thách còn nặng nề nhưng tôi tin tưởng truyền thống năng động sáng tạo tích cực đổi mới của đội ngũ nhà giáo của thành phố mang tên Bác sẽ tếp tục được phát huy, cộng hưởng bởi hiệu quả tích cực từ công cuộc đổi mới phát triển trong những năm qua".
Ông Lê Hồng Sơn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phát biểu.
Thời gian qua, thành phố triển khai nhiều chính sách đặc thù thu hút đội ngũ giáo viên giỏi, triển khai nhiều đề án, chương trình có tính đột phá, làm tiền đề nhân rộng cho cả nước. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM khẳng định lãnh đạo thành phố thấy rõ sự lớn mạnh của ngành giáo dục. Trong đó có những chương trình, giải pháp đột phá đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Đồng thời, đề nghị ngành giáo dục chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo, tiếp tục có chính sách thu hút người giỏi đến với nghề và giúp giáo viên yên tâm công tác.
"Lãnh đạo Thành phố luôn thấu hiểu tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố, trong đó ưu tiên đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xem đó là sự đầu tư thiết yếu cho tương lai Thành phố. Thành phố luôn tự hào với đội ngũ nhà giáo vững chuyên môn, hết lòng vì học sinh và luôn tích cực đi đầu trong công cuộc phát triển, đổi mới của thành phố"- ông Lê Thanh Liêm nhận định.
Bà Võ Thị Dung Phó Bí thư Thành uỷ trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho các nhà giáo.
Tại hội nghị, 3 Nhà giáo được trao Huân chương Lao động Hạng Ba, 1 nhà giáo trẻ được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 56 Nhà giáo nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 129 nhà giáo được vinh danh là nhà giáo giáo tiêu biểu, điển hình tiên tiến ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015-2019.
Ngày 22/11: Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả thẩm định Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 vào ngày 22/11 tới.