Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo TP, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường đại học và phổ thông trên toàn thành phố.
Ảnh minh họa: GD&TĐ
TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm của cả nước và khu vực về nhiều mặt, trong đó có giáo dục và đào tạo. Trên địa bàn thành phố có trên 100 trường đại học và cao đẳng, gần 150 trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục phổ thông của thành phố còn có hơn 2.200 trường học các cấp. Thành phố có trên 2 triệu học sinh, sinh viên và trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X cũng đã xác định chương trình nâng cao chất lượng giáo dục là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá nhằm đưa thành phố phát triển. TP cũng đang triển khai các bước đi tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh.
Nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Cuộc cách mạng 4.0 cũng đề ra yêu cầu cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng sự liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: "Hệ thống giáo dục phải tập trung phẩm chất và năng lực cho người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất. Điều này cần được áp dụng ở tất cả cấp học, bậc học, trình độ đào tạo.
Đặc biệt, thành công các trường đại học không chỉ là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng kiếm việc làm của sinh viên hay vị trí trên bảng xếp hạng mà còn là sự phát triển lâu dài của sinh viên, khả năng chấp nhận rủi ro năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trong môi trường hội nhập và quốc tế hoá".