TPHCM: Vướng pháp lý, quy hoạch, nhiều quận huyện khó đạt mục tiêu 300 phòng học/vạn dân

VOH - Một số quận huyện tại TPHCM đến năm 2025 vẫn chưa đạt được mục tiêu có 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học.

Sáng 16/5, Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai, thực hiện Đề án "Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021 - 2030" và tình hình triển khai thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc trên địa bàn.

truong-hoc-moi-170524
Tỷ lệ chi ngân sách của TPHCM đầu tư cho giáo dục năm 2023 đạt khoảng 21.000 tỷ đồng - Ảnh: HL

Thống kê mới nhất, tỷ lệ chi ngân sách của TPHCM đầu tư cho giáo dục năm 2023 đạt hơn 27% với khoảng 21.000 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, giai đoạn năm 2021 - 2025 toàn Thành phố có 429 dự án liên quan giáo dục được thông qua.

Tuy nhiên, đại diện Ban Dân dụng công nghiệp, đơn vị tham gia cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư cơ sở vật chất cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 chỉ được thông qua 10 dự án liên quan giáo dục. Quá trình trình chủ trương đầu tư, còn 20 dự án bị vướng pháp lý, quy hoạch.

Ông Võ Quốc Bảo, Giám đốc Ban điều hành dự án số 3, Ban Dân dụng công nghiệp cho hay: “Khi tiếp cận hồ sơ sổ đỏ, ranh đất của các trường và thực tế có sự khác biệt. Nhiều trường, diện tích thực tế bị thiếu so với sổ do bị lấn chiếm. Quy hoạch 1/2000 và 1/500 nhiều dự án không tương thích. Nhiều khu đất được quy hoạch làm đất giáo dục nhưng trong cập nhật lại là đất khác…”

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nêu thực trạng nhiều quận huyện đã hoàn thành tiêu chí 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học nhưng do có quỹ đất nên vẫn tiếp tục đầu tư trường lớp.

Trong khi đó, có những địa phương chưa đáp ứng nhu cầu trường lớp nhưng vẫn chưa trình dự án đầu tư. Đơn cử, một số quận huyện dự kiến đến năm 2025 vẫn chưa thể đạt mục tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học như: Quận Gò Vấp dự kiến chỉ đạt 262 phòng học, Huyện Hóc Môn dự kiến đạt 216 phòng học, Quận 12 có thể đạt 227 phòng học.

ong-le-hoai-nam-170524
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, nhiều quận huyện muốn xây trường học nhưng không có đất - Ảnh: Tuyết Nhung

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng cho biết, triển khai đề án 4.500 phòng học, từng thành viên trong Ban giám đốc Sở đến từng quận huyện làm việc. Đồng thời phân loại nhóm dự án cụ thể để triển khai kịp thời như: nhóm ghi vốn làm được ngay, nhóm vướng pháp lý cần tháo gỡ…

Ông Lê Hoài Nam nêu thực tế: “Muốn xây trường nhưng không có đất, vấn đề này người dân và các ban ngành đều quan tâm trong đó có ngành giáo dục. Thực tế, có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chưa triển khai được. Đề án phát triển giáo dục thông minh cần trang bị thiết bị hiện đại đạt chuẩn “thông minh” nhưng định mức kinh tế kỹ thuật không có nên không mua được”.

xay-truong-hoc-170524

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội HĐND TPHCM phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: Tuyết Nhung

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội HĐND TPHCM cho rằng, sự quan tâm phối hợp của các ban ngành có vai trò quan trọng trong việc triển khai thành công các Đề án. Sở Kế hoạch Đầu tư cần quan tâm một số địa bàn áp lực dân cư đông để giải quyết các vấn đề, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trưởng Ban Văn hoá Xã hội lưu ý: “Muốn thực hiện giáo dục thông minh, ngành giáo dục không thể làm một mình mà cả xã hội cùng làm. Muốn Chương trình Giáo dục phổ thông đạt được những yêu cầu mục tiêu, thì không chỉ giáo viên và học sinh tương tác, mà cần sự hỗ trợ của cả phụ huynh học sinh. Muốn có nguồn kinh phí thực hiện, không chỉ từ ngân sách thành phố mà phải xã hội hoá, phải đồng hành cùng các cấp các ngành, có như thế mới thực hiện được”.

Bình luận