Theo quy định, học phí của năm học này phải trình từ năm học trước đó. Vì vậy, vừa qua, Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM đã xây dựng dự thảo mức học phí mới của các cấp học, bậc học thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ áp dụng từ năm học 2022-2023. Dự thảo đang trong thời gian tiến hành lấy ý kiến các sở ngành, đơn vị liên quan.
Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 được áp dụng chung cho các tỉnh thành. Vì vậy, để có thể hỗ trợ học phí, các địa phương chỉ có thể đề nghị HĐND có gói hỗ trợ học phí cho học sinh, qua đó cấp bù kinh phí cho các trường. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Mức học phí cần phải xây dựng vì Nghị định 86 về quy định mức thu học phí trong trường phổ thông đã hết hiệu lực, hiện giờ phải thực hiện theo Nghị định 81 có hiệu lực từ tháng 11/2021. Thành phố xây dựng theo mức sàn, mức thấp nhất của Nghị định 81. Song song đó, Sở đang đề nghị chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí áp dụng đối với một số đối tượng học sinh như đối tượng chính sách, học sinh nghèo...".
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng đầu năm học là thời điểm phụ huynh học sinh gặp nhiều áp lực về chi phí học tập như sách vở, quần áo... Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc đề xuất thời điểm áp dụng lùi lại, không bắt đầu từ đầu năm học 2022-2023 để chia sẻ áp lực với cha mẹ học sinh. Tùy theo mức được phê duyệt tới đâu, việc cấp bù sẽ được thực hiện đến đó.