Ngành giáo dục đã bước đầu đạt những kết quả tích cực trong việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Thực hiện thành công xã hội hóa sách giáo khoa, triển khai chương trình mới ở cả ba cấp học với 6 khối lớp gồm lớp 1, 2, 3 ở bậc tiểu học, lớp 6 và 7 ở bậc trung học cơ sở, lớp 10 ở bậc trung học phổ thông.
Nhưng việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Thông tin được đưa ra tại Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi giao ban tuyên giáo ngày 3/1.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách giáo khoa được biên soạn còn một số nội dung chưa phù hợp như dùng từ địa phương, ngữ liệu chưa hay, thông tin chưa phù hợp với học sinh.
Việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, môn ngoại ngữ 2 và các chương trình môn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh còn chậm so với các môn học khác.
Bộ cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí, truyền thông cung cấp thông tin về quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa của ngành giáo dục chính xác, khách quan, mang tính xây dựng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trước đó ngày 29/12/2022, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm ký ban hành thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo. Cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm liên quan công tác biên soạn, in ấn, và tăng giá sách giáo khoa.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin sang Bộ Công an để xem xét, xử lý việc hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Nội dung thứ hai là lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam có nhiều điểm bất thường.