Trường Đại học Luật TPHCM và chương trình Sinh viên và việc làm thời Covid-19

(VOH) - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên năm cuối đại học phải đối mặt với việc học gián đoạn, gây ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp.

Còn đối với sinh viên vừa mới tốt nghiệp, nỗi lo lắng trong việc khó khăn khi tìm kiếm việc làm trong khi bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động.

Số thứ hai Chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức trực tuyến thu hút hàng trăm sinh viên
Số thứ hai Chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức trực tuyến thu hút hàng trăm sinh viên

Những chia sẻ, lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, giảng viên tại chương trình tư vấn chủ đề: “Sinh viên và việc làm thời Covid – 19”, diễn ra dưới hình thức trực tuyến, do Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức mới đây nhằm giúp sinh viên giải tỏa những rào cản tâm lý, hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Theo TS. Võ Trung Tín, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường tại Trường Đại học Luật TPHCM, những nỗi lo âu trên xuất phát từ nhiều lý do, từ khách quan như cạnh tranh trong thị trường lao động khi các đơn vị tuyển dụng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với ứng cử viên, sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm tham gia phỏng vấn. Đồng thời, những nỗi lo còn đến từ các trở ngại do Covid-19 gây ra như lo sợ không thể tốt nghiệp đúng dự kiến và thị trường lao động bị thu hẹp do các doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng. Riêng đối với vấn đề tốt nghiệp, Trường Đại học Luật TPHCM đã có sự chuẩn bị chu đáo nhằm thúc đẩy tiến độ tốt nghiệp được diễn ra đúng hạn, bảo đảm quyền lợi cho sinh viên.

Trên thực tế, vấn đề học tập và việc làm vẫn luôn là một nỗi lo âu thường trực của sinh viên năm cuối. Theo TS. Nguyễn Hữu Long, Trưởng khoa Lý luận và Khoa học Cơ sở, Phó Giám đốc Phân viện Miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, mối lo này thường xảy ra trong hai trường hợp: Thứ nhất, bởi vì các bạn quá để tâm đến câu chuyện tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân, mà bản năng con người khi đứng trước lựa chọn quan trọng sẽ luôn có tâm trạng bồn chồn và lo lắng; Thứ hai, các bạn thả lỏng quá đà, đợi đến trượt khỏi guồng quay chung, bạn bè xung quanh đều đã tìm được việc làm thì mình mới sốt sắng và sợ hãi trước áp lực gần kề.

TS. Nguyễn Hữu Long có đưa ra ba lời khuyên dành cho các bạn sinh viên: Một là, đừng đặt nặng vào suy nghĩ sau khi ra trường có tìm được công việc thích hợp hay không, chỉ cần chúng ta có năng lực thì cánh cửa việc làm luôn rộng mở.  Hai là, cố gắng thực hiện theo chủ trương của Nhà trường để tốt nghiệp đúng hạn, luôn duy trì trạng thái sẵn sàng. Và cuối cùng là chọn lựa kỹ lưỡng, tự tin ứng tuyển vào đơn vị mà mình hứng thú, tâm đắc và dự định gắn bó những “bước chân đầu đời”.

Bên cạnh những khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm, dịch bệnh bùng nổ còn khiến sinh viên gặp rất nhiều trở ngại trong việc thích nghi với môi trường mới, khi mà các doanh nghiệp hầu hết đều chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến tại nhà.

TS. Võ Trung Tín nhấn mạnh rằng các bạn sinh viên hoàn toàn có thể lật ngược tình thế, biến trở ngại thành cơ hội, đầu tiên là phải bỏ qua các mối bận tâm vô ích, thay vào đó nên dành thời gian đầu tư kiến thức và hoàn thiện bản thân trong thời gian giãn cách xã hội.